Ô nhiễm không khí đe dọa hệ sinh thái

ThienNhien.Net – Ngoài những nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, phun trào núi lửa, bão bụi hay các quá trình phân hủy, thối rữa xác động, thực vật… thì giao thông vận tải, sản xuất năng lượng, hoạt động nông nghiệp và công nghiệp đang được xem là những hoạt động trực tiếp gây ô nhiễm không khí – mối đe dọa thầm lặng đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí thường xảy ra khi trong không khí có sự hiện diện của khí nhà kính, sự mất cân bằng hóa học hay sự tập trung dày đặc của các hạt aerosol.

Khí nhà kính

Khoa học đã chứng minh thủ phạm chính dẫn tới hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu là khí các-bon đi-ô-xít (CO2) và mê-tan (CH4). Trong vòng 60 năm qua, nồng độ CO2 toàn cầu đã tăng 100ppm, trong khi đó, nồng độ CH4 tăng gấp đôi, lên tới gần 1.800ppb.

Nhiệt độ toàn cầu cũng ghi nhận mức tăng trung bình 1,6 độ F với sự nóng lên ngày càng rõ nét ở hai địa cực.

Hiện tại, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đang ở mức xấp xỉ 390ppm. Một khi con số này tăng lên mức 500ppm thì sẽ không cách nào duy trì được các đỉnh băng ở hai địa cực, còn nếu dừng ở mức 450ppm nghĩa là nồng độ CO2 đang ở giới hạn cuối cùng của ngưỡng bền vững.

Trên thực tế, những thay đổi dù là rất nhỏ về nhiệt độ thời gian qua cũng đã đem tới nhiều thay đổi trong các mô hình thời tiết ở nhiều hệ sinh thái và hiện xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

Mô hình lượng mưa ở một số khu vực cũng có sự thay đổi. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sự tăng nhiệt chắc chắn sẽ đưa đến sự gia tăng về mức độ cũng như tần suất các trận bão lớn, không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn đe dọa đa dạng sinh học.

Thông qua các tiến trình xảy ra tự nhiên, CO2 dễ dàng hòa tan trong nước tạo thành a-xít các-bo-níc (H2CO3). Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển tăng sẽ kích thích phản ứng này, làm giảm độ pH, từ đó tăng tình trạng a-xít hóa đại dương. Điều này đang xuất hiện ở nhiều hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương, khiến chúng trở nên khó thích ứng với những thay đổi mới.

Các nhà nghiên cứu cho biết đa dạng sinh học của nhiều rạn san hô trên thế giới đã và đang bị suy giảm. Trái đất đã mất đi 25% số rạn san hô – ngôi nhà của 25% cư dân đại dương (xấp xỉ 2 triệu loài).

Nhiều nhà khoa học tin rằng đến năm 2050 sẽ chỉ còn lại 5% quần thể san hô hiện có còn tồn tại ngay cả khi mức gia tăng nhiệt độ theo dự đoán là thấp nhất. Và nếu dự đoán của giới khoa học thành hiện thực, loài người sẽ mất đi một ngành công nghiệp trị giá 375 tỷ USD, đồng thời mất đi 10% nguồn thực phẩm toàn cầu.

Sự mất cân bằng hóa học

Nguyên nhân làm mất cân bằng hóa học được cho là do các hợp chất độc hại, điển hình là sun-fua ô-xít (SOx) và ni-tơ ô-xít (NOx). Hai hợp chất này là thủ phạm chính gây ra các trận mưa a-xít và hiện tượng sương mù.

Mưa a-xít tác động tiêu cực tới thực vật thông qua việc phá hủy lá và tăng mức độ ô nhiễm đất. Chưa hết, nghiên cứu của Chương trình Khảo sát Nước mặt Quốc gia (Mỹ) còn khẳng định ảnh hưởng của nó đối với nguồn nước và cho biết 75% số ao hồ hiện nay có biểu hiện nhiễm a-xít.

Ngoài hai hợp chất trên, các-bon mô-nô-xít (CO) cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng hóa học. Hóa chất cực độc sản sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn của các nhiên liệu hóa thạch này đặc biệt có hại với hệ hô hấp của người và động vật. Nó ngăn máu mang ô-xy tới các cơ quan khác, mang lại những nguy cơ về sức khỏe cho cả người và động vật.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet (Anh), mỗi năm có hơn 3,2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, riêng Trung Quốc chiếm tới 40% (Ảnh: iStockphoto)

Các hạt aerosol

Aerosol bao gồm các vật chất dạng hạt như bụi, muội than và các hạt sun-fat lơ lửng trong không khí, là nguyên nhân chủ yếu gây nên ô nhiễm không khí. Đa phần các aerosol xuất hiện tự nhiên, nhưng cũng có khoảng 10% là do tác động của con người, trong đó có hai nhân tố chính là hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và sản xuất công nghiệp.

Aerosol ảnh hưởng tiêu cực tới các hệ sinh thái thông qua việc xâm nhập vào nguồn nước hay vào lá phổi của các sinh vật hô hấp, đe dọa đa dạng sinh học cũng như sức khỏe con người.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thành phố có mật độ tập trung hạt aerosol cao thì tỷ lệ tử vong do suy hô hấp cũng ở mức cao. Theo nghiên cứu của thành phố Vancouver (Canada), chỉ cần mật độ các vật chất dạng hạt giảm 1%, họ sẽ tiết kiệm được 29 triệu USD viện phí điều trị các bệnh về đường hô hấp.

Ngoài ra, ô nhiễm aerosol còn dẫn đến mất đa dạng sinh học thủy sinh vì các hạt trong khí quyển có khả năng gây mưa a-xít, làm thay đổi độ pH ở các dòng sông, con suối…

Trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng, việc khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông chạy điện thay vì chạy bằng xăng dầu; đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; áp dụng rộng rãi hệ thống tín dụng các-bon; thực thi pháp luật yêu cầu các cơ sở công nghiệp sử dụng thiết bị lọc không khí; hay đơn giản như dùng đèn LED thay cho bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn sợi đốt… được coi là những giải pháp khả thi hướng tới một bầu trời sạch hơn.