Trung Quốc: Quan chức quan tâm đến GDP hơn bảo tồn nguồn nước

ThienNhien.Net – Một báo cáo gần đây cho biết hơn 70% lượng nước dự trữ cung cấp cho 30 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa đến nguồn cung nước sạch cho hàng trăm triệu người.

Theo trang qz.com, kế hoạch nước sạch đô thị Trung Quốc, do Cơ quan Bảo tồn Tự nhiên công bố hôm 18/4 vừa qua, đã phân tích 135 nguồn nước mặt cung cấp cho tiêu dùng của 30 thành phố lớn nhất và phát triển nhanh nhất Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Quảng Châu.

Trong số này, 73% “có nồng độ ô nhiễm ở mức trung bình đến cao,” ảnh hưởng đến đời sống của 860 triệu người tại các khu vực đóng góp khoảng 55% GDP cho Trung Quốc năm 2010.

Một con sông bị ô nhiễm ở Thượng Hải (Nguồn: Reuters)
Một con sông bị ô nhiễm ở Thượng Hải (Nguồn: Reuters)

Theo báo cáo, khoảng một nửa nguồn nước bị ô nhiễm ở Trung Quốc là do phân bón, thuốc trừ sâu và chất thải chăn nuôi. Nước thải không được xử lý và chất thải công nghiệp cũng là những nguyên nhân thường gặp.

Các lưu vực sông là nơi cung cấp 93% lượng nước uống cho 30 thành phố được điều tra. Nước sinh hoạt được lấy qua một mạng lưới các hồ chứa, kênh rạch và đường ống nước. Hầu hết nguồn nước cung cấp cho đô thị dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng hay đầm lầy để bảo vệ chất lượng nước.

“Khi các thành phố phát triển và những nguồn lực tự nhiên này thoái hóa, chất lượng nước sẽ suy giảm, khiến việc cung cấp nước sạch cho người dân thành phố thêm khó khăn và đắt đỏ hơn,” bản báo cáo viết.

Vấn đề nước sạch đang trở nên cực kỳ nhức nhối tại Trung Quốc bởi chính phủ đã tối đa hóa tăng trưởng kinh tế địa phương qua việc bán và phát triển bất động sản, chiếm khoảng 35% thu nhập của chính quyền địa phương.

Các quan chức địa phương quan tâm đến tăng trưởng GDP hơn là đầu tư dài hạn vào gìn giữ và bảo tồn nguồn nước.

Báo cáo cho biết diện tích che phủ tự nhiên cũng đang giảm dần. Một phần ba trong số 110 khu dự trữ cung cấp nước cho 24 trong tổng số 30 thành phố được khảo sát bị bao quanh bởi hơn 50% diện tích đất đai dùng cho phát triển nhà ở thay vì giữ nguyên ở trạng thái tự nhiên.

Một vùng nước bị ô nhiễm ở Quảng Đông (Nguồn: Reuters)
Một vùng nước bị ô nhiễm ở Quảng Đông (Nguồn: Reuters)

Theo báo cáo môi trường mới nhất của bộ Bảo vệ Môi trường công bố năm 2013, ít nhất 1/3 các hồ nước và sông suối ở Trung Quốc bị ô nhiễm nặng và không thể dùng cho sinh hoạt.

Để cung cấp đủ nước, Trung Quốc đã phải đưa lượng nước lớn hơn cả nước sông Thames tới khắp nơi trên đất nước theo một dự án bắt đầu năm 2014.