Hiệu quả từ mô hình vườn rừng ở An Giang

ThienNhien.Net – Phát triển vườn rừng nhằm bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cách giao khoán đất rừng cho người dân quản lý, khai thác dưới sự giám sát của ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả tại hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang).

Nhiều năm qua, những hộ dân tham gia trồng và giữ rừng trên núi Dài (huyện Tri Tôn) chủ yếu cải thiện kinh tế bằng cách trồng xen các loại cây ăn quả, rau màu, dược liệu. Tuy nhiên, đời sống không ít hộ dân vẫn gặp khó khăn do giá nông sản biến động, việc vận chuyển xuống núi tốn nhiều chi phí… Một loại cây trồng mới đang được vài hộ dân ở núi Dài canh tác thử nghiệm và cho thấy tiềm năng rất lớn. Dựa vào thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiều hộ dân tại đỉnh núi Dài thời gian qua đã phát triển mạnh mô hình canh tác vườn rừng hiệu quả, với cây trồng chủ yếu là giống khoai môn Ðà Lạt (hay còn gọi là khoai cao).

Ông Lê Công Tảo, khóm An Hòa B (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn), cho biết, giống khoai này rất dễ trồng, chủ yếu sử dụng nước mưa tự nhiên, chi phí đầu tư thấp nhưng bán được giá cao. Ngoài ra, giống khoai môn này còn có tác dụng diệt cỏ tự nhiên. Vào mùa mưa sắp tới, ông Tảo dự kiến sẽ xuống giống 50 ha khoai môn Ðà Lạt ở khu vực Ô Sình – Vồ Cờ.

“Nếu mô hình này được mở rộng, đời sống người dân được cải thiện tốt hơn thì họ sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với rừng và tích cực giữ rừng. Mong muốn của chúng tôi hiện nay là ngành kiểm lâm nên kiểm tra lại mật độ cây sao trong diện tích đất rừng để có thể tỉa bớt, tạo thông thoáng dưới tán rừng cho các loại cây trồng khác phát triển. Trong đó, giống khoai môn Ðà Lạt cũng cần có ánh nắng mới sinh trưởng tốt”, ông Tảo kiến nghị.

Song song với giống khoai môn, hiện nay, vườn rừng tại khu vực Ô Sình, ông Tảo cùng nhiều hộ dân khác đang phát triển mạnh cây su hào và các loại cây ăn trái khác như sa-pô, sầu riêng, xoài, dâu…

Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn
Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn

Cùng chung đề xuất này, ông Phạm Ngọc Minh có gần 20 năm gắn bó với rừng ở đồi Tà Pạ (xã Núi Tô, Tri Tôn), cho biết, bên cạnh công việc chăm sóc rừng, ông còn tranh thủ thu gom củi khô về bán và trồng xen canh một số loại cây như xoài, điều, mít… Tuy nhiên, do mật độ cây sao trong rừng quá dày, che hết ánh nắng khiến các loại cây ăn trái này thường bị hiện tượng thối quả non, năng suất thấp.

“Nếu diện tích cây sao được tỉa bớt với mật độ phù hợp thì các loại cây trồng khác sẽ phát triển tốt, đời sống người trồng rừng cũng ổn định hơn, hạn chế được tình trạng chặt phá rừng trái phép”, ông Minh nói.

Còn tại núi Cấm (huyện Tịnh Biên), nhiều mô hình canh tác vườn rừng khác phát huy hiệu quả rất tốt như: Quýt điều, nuôi hươu, nai kết hợp trồng rừng, mô hình trồng thanh long ruột đỏ, tre lấy măng… mang lại thu nhập cho người trồng hằng năm trên dưới trăm triệu đồng.

Nhằm hỗ trợ mô hình vườn rừng phát huy hiệu quả hơn nữa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho biết, trong năm 2013, bên cạnh việc triển khai các phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), ngành kiểm lâm sẽ cho kiểm tra lại mật độ cây sao theo phản ánh của người dân. Nếu nơi nào có số lượng hơn 600 cây/1.000 m2 thì lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp với người dân cắt tỉa bớt.

Ông Hòa cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá, xâm chiếm đất rừng là do giá trị kinh tế của rừng còn thấp, không bảo đảm đời sống cho người trồng rừng. Vì vậy, chủ rừng, các hộ nhận giao khoán rừng chưa thật sự quan tâm đến rừng trong khi nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích khác lại rất cao, như làm rẫy, trồng cây ăn trái… Bên cạnh đó, chính sách đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình nông – lâm kết hợp có hiệu quả trên vùng đồi núi để tạo nguồn thu nhập bền vững, cho người dân nhận giao khoán phát triển kinh tế rừng.

Do vậy, để công tác bảo vệ, PCCCR thật sự hiệu quả thì trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ trồng rừng và nhận giao khoán rừng. Các ngành, các cấp cần đánh giá lại những hiệu quả thực tế công tác phát triển vườn rừng thời gian qua để nghiên cứu, hỗ trợ, phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế rừng hiệu quả để giúp người dân yêu quý và gắn bó với rừng hơn.