Hà Nội: Gần 1200 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn

ThienNhien.Net – Thành phố Hà Nội hiện có 1.194 vùng sản xuất tập trung và phân tán đảm bảo các yếu tố về đất, nước tưới… để sản xuất rau an toàn (RAT) và 104 vùng bị ô nhiễm không đủ điều kiện sản xuất. Đó là kết quả điều tra và xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất RAT được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết ngày 11/02.

Theo kết quả điều tra, các vùng sản xuất RAT tập trung có nguy cơ bị ô nhiễm ở Hà Nội có tổng diện tích hơn 1.000 ha là những vùng thiếu nước tưới sạch trong mùa khô, gần khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp. Các vùng sản xuất RAT đang bị ô nhiễm, không đủ điều kiện sản xuất có tổng diện tích hơn 624 ha là những vùng sử dụng nước sông Tô Lịch, sông La Khê đang bị ô nhiễm để tưới rau, không có nguồn nước thay thế hoặc bị ảnh hưởng bởi khu vực nghĩa trang, khu chăn nuôi gia súc hoặc gần nhà máy gạch, bãi rác sinh hoạt…

Trên cơ sở kết quả điều tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khép kín theo nhu cầu đề xuất của các địa phương đối với các vùng tập trung đủ điều kiện sản xuất RAT và các vùng có nguy cơ bị ô nhiễm trong mùa khô. Đối với 104 vùng ô nhiễm, đề nghị UBND thành phố cấm không cho sản xuất RAT khi chưa có nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Các địa phương cũng cần có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng ở những vùng bị ô nhiễm để trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, đến thời điểm này, sản lượng RAT của toàn thành phố hàng năm chỉ đáp ứng được gần 14% nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô. Hà Nội đã có 6 cơ sở gồm: Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), Giang Biên, Phúc Lợi và Cự Khối (quận Long Biên), Hòa Bình và Biên Giang (thành phố Hà Đông) đã được cấp nước tập trung phục vụ tốt việc sản xuất RAT. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng… đang sản xuất rau xanh cung cấp cho thị trường Hà Nội (chiếm gần 40% nhu cầu) nhưng đều chưa có hệ thống quản lý, chỉ đạo sản xuất RAT nên chất lượng rau cũng còn hạn chế.