Cao su Tây Bắc cận kề khai thác – Bài 1

Sơn La còn những ngổn ngang

ThienNhien.Net – Vượt qua thăng trầm, tả tơi vì những đợt rét đậm rét hại, những vườn cao su đầu tiên ở Tây Bắc đến nay cũng đã cập kê tuổi khai thác mủ. Dù thế, khó khăn vướng mắc hãy còn ngổn ngang trên con đường chinh phục giấc mơ “vàng trắng” vùng Tây Bắc.

2014, bắt đầu khai thác mủ 

Là tỉnh Tây Bắc đầu tiên được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đặt chân xây dựng “vườn cao su tổ”, nhưng đến nay, Sơn La được đánh giá là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trên con đường phát triển cây cao su so với hai tỉnh láng giềng Điện Biên và Lai Châu. Khi cây cao su có mặt ở Sơn La, cũng là lúc các diện tích đất màu mỡ ở các huyện như Mai Sơn, Thuận Châu, TP.Sơn La… đã được cây mía, cà phê, ngô… chiếm lĩnh.

Cao su buộc phải leo lên những đồi đất cằn cỗi, độ dốc cao (phổ biến trên 25­0), và tầng canh tác rất mỏng (đa phần chỉ từ 70cm đến 1m, có nơi chỉ 50cm) ở các huyện như Yên Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã… Vừa “chân ướt chân ráo” lên Tây Bắc, cao su Sơn La nói riêng đã bị đợt rét đậm, rét hại năm 2010 quần cho tơi tả. Gần 60ha cao su mới trồng ở Sơn La đã bị chết hoàn toàn, phải thanh lí trồng lại, hơn 380ha khác bị ảnh hưởng nặng nề phải trồng dặm, đến nay vẫn đang phải chăm sóc với chế độ đặc biệt để theo kịp với vườn cao su cùng lứa… Trải qua những khó khăn ấy, cây cao su ở Sơn La đến nay cũng đang dần có những tín hiệu sáng sủa.

Đến đội cao su Ít Ong (huyện Mường La) nằm ngay dưới chân công trình Thủy điện Sơn La bây giờ, vùng cao su có diện tích hơn 450ha đang thời kỳ che tán đã phủ xanh những ngọn đồi trọc. Trong đó, vườn cao su trồng năm 2007 có diện tích gần 60ha nay độ dài vanh thân trung bình đạt trên 45cm – vượt tiêu chuẩn so với Quy chuẩn cao su Tây Bắc của VGR, dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch vào năm 2014. Ông Nguyễn Huy Thuấn – PGĐ Cty CP Cao su Sơn La cho biết, qua khai thác thử thời gian vừa qua cho thấy, năng suất bình quân dự kiến của vườn cao su này có thể đạt ở mức khá cao, khoảng 1,6-1,7 tấn/ha/năm.

Vườn cao su của Đội cao su Ít Ong, huyện Mường La sẽ khai thác vào năm 2014
Vườn cao su của Đội cao su Ít Ong, huyện Mường La sẽ khai thác vào năm 2014

Tại các vùng khó khăn hơn về đất đai như huyện Yên Châu, các vườn cao su trồng năm 2008 và 2009 với các giống chịu lạnh kém như PB260, GT1… sau ảnh hưởng của rét đậm, rét hại năm 2010 đến nay cũng đã hồi phục và phát triển khá tốt nhờ chế độ chăm sóc đặc biệt. Đơn cử như vườn cao su trồng năm 2008 tại các đội Chiềng Pằn, Viêng Lán (huyện Yên Châu) qua khảo sát cho thấy độ đồng đều cao, các chỉ tiêu về chiều cao, độ dài vanh thân, tán lá… đều đạt hoặc vượt so với tiêu chuẩn cao su Tây Bắc. Tiêu biểu ở đội cao su Viêng Lán có diện tích gần 460ha (giống PB260) hiện có độ dài vanh thân trung bình đạt trên 40cm, dự kiến khai thác vào năm 2015…

Theo báo cáo của BCĐ phát triển cao su tỉnh Sơn La, trong tổng số gần 6.700ha cao su đã trồng, sinh trưởng phát triển đạt tiêu chuẩn đề ra, sâu bệnh được kiểm soát, các diện tích bị ảnh hưởng do rét đậm rét hại năm 2010 được khôi phục, một phần được trồng dặm đạt mật độ.

Cty CP Cao su Sơn La cho biết, hiện tại VGR và UBND tỉnh Sơn La cũng đang tiến hành khảo sát chuẩn bị xây dựng NM để phục vụ chế biến mủ khi cao su bước vào kỳ thu hoạch, dự kiến NM sẽ được xây dựng và hoàn thành trong năm 2014.

Vẫn lo 

Các đợt rét trong năm 2010, 2011 bên cạnh việc gây ra thiệt hại lớn, nhưng cũng là điều “may mắn” bởi nhờ đó đã sàng lọc và chọn ra được các giống cao su chịu lạnh và chịu độ cao như Vân Nghiên 77-4, Vân Nghiên 77-2, IAN 873… Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo về các giống cao su chịu lạnh kém như PB260, GT1… đã được trồng. Hiện tại, Sơn La còn hơn 1.700ha cao su giống PB260 và hơn 1.100ha giống GT1 cùng một số giống không có ưu thế về chịu lạnh như RRIC 121, RRIM 600, RRIM 712…

Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt lo ngại, mặc dù hầu hết diện tích cao su chịu lạnh kém, đặc biệt là giống PB260 bị ảnh hưởng qua các đợt rét đến nay đều đã được khôi phục hoặc trồng dặm và sinh trưởng đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn của VGR đề ra. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn là đã “chắc thắng”, bởi không ai có thể lường trước được tần suất những đợt rét hại như năm 2010 có thể xẩy ra như thế nào trong nay mai. Vì vậy theo ông Doanh, việc phát triển và mở rộng diện tích cao su ở Sơn La cần phải hết sức thận trọng. Phương châm chính là nơi nào dễ và chắc ăn thì làm trước, nơi nào khó và rủi ro thì làm sau.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Toàn – Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho rằng, đối với các vùng cao su trồng mới trong thời gian tới, khi chưa xác định được tính an toàn của tiểu vùng khí hậu thì nhất quyết không ưu tiên các giống cao su năng suất cao nhưng chịu lạnh kém có xuất xứ ở phía Nam, thay vào đó là các giống chịu lạnh cao như Vân Nghiên 77-4, Vân Nghiên 77-2 hoặc IAN 873…

Cao su Sơn La đang phát triển đạt yêu cầu, song năng suất mủ thực tế ra sao vẫn đang là một ẩn số
Cao su Sơn La đang phát triển đạt yêu cầu, song năng suất mủ thực tế ra sao vẫn đang là một ẩn số

Về phía địa phương, ông Cầm Văn Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phân tích: Hiện tại, quỹ đất để mở rộng cao su ở Sơn La còn rất lớn, tuy nhiên hầu hết lại toàn đất xấu, độ dốc lớn và đặc biệt là hầu hết có độ cao trên 600m (so với mực nước biển). Trong khi đó, quy chuẩn trồng cao su Tây Bắc đề ra phải trồng dưới độ cao 600m nên việc tìm kiếm diện tích để mở rộng cao su là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, do hầu hết diện tích đất đều ở độ cao lớn nên việc đề ra quy hoạch dưới 600m gây rất nhiều khó khăn cho việc mở rộng diện tích.

Ông Chính băn khoăn: “Nhiều diện tích cao su ở Sơn La hiện trồng ở độ cao trên 700m nhưng mấy năm qua vẫn phát triển rất tốt, thậm chí hơn cả những diện tích đối chứng ở độ cao dưới 100m, chỉ 30-40m. Điều này cho thấy khả năng thích nghi với các tiểu vùng khí khậu của cao su rất cao. Vì thế các cơ quan khoa học, mà trước hết là Viện Nghiên cứu Cao su và Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cần phối hợp nghiên cứu tỉ mỉ hơn nữa về khả năng thích nghi của các giống cao su ở độ cao trên 600m để các địa phương mở rộng diện tích”.

Ông Chính cũng đánh giá, vấn đề quy hoạch cho cây cao su lâu nay mới chỉ chú trọng nhiều tới yếu tố đất đai mà chưa đi sâu vào yếu tố khí hậu. Được biết sau nhiều thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cuối năm 2010, Sơn La đã điều chỉnh quy hoạch lại việc phát triển cao su theo hướng thận trọng hơn. Theo đó, trong giai đoạn I (từ năm 2007 đến năm 2015), giữ diện tích cao su của tỉnh khoảng 20 nghìn ha.

+ “Mặc dù qua khai thác thử tại các diện tích cao su trồng năm 2007 cho thấy năng suất mủ khá cao (ước đạt 1,6 – 1,7 tấn/ha), tuy nhiên độ dày vỏ chưa đạt yêu cầu (trung bình chỉ đạt 25 mm, so với tiêu chuẩn của VGR là 35 mm). Vì vậy không chỉ chính quyền mà người dân góp đất trồng cao su cũng hết sức ái ngại về vấn đề năng suất, đặc biệt là khi mà tới nay cao su vẫn chưa đến tuổi cho thu hoạch mủ nên vấn đề năng suất vẫn là một ẩn số”- Ông Cầm Văn Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

+ Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng BCĐ Tây bắc, vừa qua, Cục Trồng trọt chủ trì, đại diện cho Bộ NN-PTNT cùng với đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Tổng cục Lâm nghiệp và Tập đoàn CN Cao su VN đã có chuyến khảo sát và làm việc với 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nhằm đánh giá và tập hợp những vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển cao su ở Tây Bắc. Kết quả của chương trình làm việc sẽ được Bộ NN-PTNT tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và BCĐ Tây Bắc trong thời gian tới nhằm tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa cho việc phát triển chương trình cao su Tây Bắc.