Doanh nghiệp chế biến gỗ miền Trung lao đao

ThienNhien.Net – Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, các loại cây nguyên liệu có trồng tái tạo cũng mất 5 – 7 năm mới cho thu hoạch, trong khi các nhà máy chế biến liên tục được cấp phép, xây dựng.

Hệ quả tất yếu là thiếu nguyên liệu chế biến, nhà máy chạy cầm chừng, đóng cửa; doanh nghiệp tranh giành mua nguyên liệu, xí phần cả những cây non, kém chất lượng nên bị khách hàng ép giá. Hai địa phương đang nằm trong tình trạng báo động đỏ này là Quảng Ngãi và Bình Định.

Các nhà máy chế biến mọc lên nhiều khiến việc thu mua nguyên liệu bị xé lẻ
Các nhà máy chế biến mọc lên nhiều khiến việc thu mua nguyên liệu bị xé lẻ

Sản xuất cầm chừng 

Đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch keo lai, bạch đàn… vậy nhưng tại Khu kinh tế Dung Quất, một số nhà máy sản xuất và chế biến dăm gỗ vẫn còn khá im ắng. Là một doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu lớn nhất Quảng Ngãi, với vùng nguyên liệu khá dồi dào, nhiều tháng qua, các dây chuyền sản xuất gỗ dăm xuất khẩu của Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Dung Quất phải hoạt động cầm chừng, bởi nguyên liệu phục vụ cho chế biến không đủ.

Trong khi đó, giá gỗ dăm xuất khẩu trên thị trường luôn bấp bênh. Theo lãnh đạo đơn vị, cùng thời điểm này năm ngoái, nguyên liệu nhập về đầy sân bãi, sản phẩm xuất đi không kịp. Nhưng năm nay lâm vào cảnh sản xuất chợ chiều, công nhân ngày làm ngày nghỉ.

Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Tân Thành Dung Quất cũng chẳng sôi động hơn và có khoảng 10 nhà máy nằm trong tình trạng chung như thế ở tỉnh Quảng Ngãi. Ở khu vực miền Trung, đây có lẽ là địa phương có nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu được cấp phép ồ ạt, xây dựng nhanh, vượt tầm kiểm soát. Vì vậy, khu kinh tế dành riêng một diện tích đất quy hoạch thành cụm công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Nị, Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy Dung Quất, cho biết, chính vì việc phát triển ồ ạt các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu đã đẩy các nhà máy vào thế không có nguyên liệu để thu mua chế biến. Nhiều nhà máy đã tìm mọi cách để thu mua keo trong dân, kể cả keo non chưa đủ tuổi.

Còn theo ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, hiện nay các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu đều sử dụng gỗ rừng trồng nhưng dù rừng trồng trên cả nước có tăng vẫn không theo kịp sự bùng nổ của các nhà máy nên nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm là đương nhiên.

Tranh giành nguyên liệu

Theo tính toán của ông Nguyễn Nị, hiện tổng công suất chế biến của 21 nhà máy tại tỉnh Quảng Ngãi đã đạt mức 100.000 tấn khô/năm. Bình quân mỗi nhà máy trên địa bàn có công suất 4 triệu tấn/năm. Như vậy, trong 1 ngày, mỗi nhà máy phải cần đến ít nhất 1.000 tấn gỗ nguyên liệu. Với 21 nhà máy, để bảo đảm công suất hoạt động, mỗi ngày cần tới 21.000 tấn nguyên liệu. “Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu của tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc tranh mua nguyên liệu, thậm chí mua cả cây non nên chất lượng gỗ dăm xuất khẩu không đảm bảo, các đối tác bắt đầu quay lưng, ép giá”.

Bên cạnh đó, tiêu thụ dăm gỗ của các nhà máy ở Quảng Ngãi chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, giá cả phụ thuộc rất lớn vào các đối tác này. Do tình trạng chạy đua khối lượng trong sản xuất của các nhà máy chế biến dăm gỗ nên các đối tác đã bắt đầu ép giá vì cho rằng, gỗ dăm không đạt chất lượng. Nếu như đầu năm 2013, giá dăm gỗ xuất khẩu là 138 USD/tấn khô, sau đó rớt chỉ còn 120 USD/tấn.

Hiện nay đã nhích lên được 128 – 129USD, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ. Giá gỗ dăm rớt, không chỉ DN khó khăn, mà người trồng rừng cũng lâm cảnh khốn đốn, bởi giá thu mua gỗ nguyên liệu cũng sụt giảm theo.

Bên cạnh giá nguyên liệu xuất khẩu giảm, nguyên liệu thu mua chế biến không đủ thì chi phí xuất hàng qua cảng quá cao cũng là nguyên nhân gây khó cho các doanh nghiệp chế biến gỗ.

“So với các tỉnh, chi phí xuất hàng qua cảng Dung Quất cao nhất nước, thậm chí cao gấp đôi so với các cảng trong khu vực. Xuất một tàu dăm gỗ (35.000 – 40.000 tấn), chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra tới 2 tỷ đồng. Trong khi nếu xuất ở cảng khác trong khu vực, chi phí chưa tới 1,2 tỷ đồng. Biết vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ dăm không thể vận chuyển đến các cảng khác trong khu vực, bởi chi phí vận chuyển đến các tỉnh cao, nếu cộng lại còn cao hơn khi xuất tại cảng Dung Quất”, ông Nguyễn Nị cho biết.

Mới đây, UBND hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã họp bàn đi đến thống nhất hạn chế và tiến tới dừng hẳn việc cấp phép xây dựng các nhà máy tương tự. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Lâm nghiệp Bình Định, hiện tỉnh này đã lên phương án mời các doanh nghiệp ngồi lại với nhau thay đổi phương thức sản xuất, nâng giá trị sản phẩm và đảm bảo vùng nguyên liệu. Đó là thay vì xuất khẩu dăm gỗ, các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu để chuyển sang chế biến thành phẩm chứ không bán thô. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn chưa ngồi lại với nhau bởi nhiều lý do…

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện trên toàn quốc có khoảng 80 nhà máy với tổng công suất đạt khoảng 1,5 triệu tấn dăm khô/năm. Theo đó, mỗi năm số lượng nhà máy nói trên “ngốn” đến hơn 3,5 triệu tấn gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng. Từ 300.000 – 400.000 tấn/năm, hiện nay lượng dăm gỗ xuất khẩu đã tăng đến 14 – 15 triệu tấn/năm. Điều này chứng tỏ sự phát triển chóng mặt của các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.