Băng tan, gấu Bắc cực đành ăn… trứng ngỗng

ThienNhien.Net – Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Wildfowl and Wetlands Trust (WWT) thì khả năng sinh sôi của loài ngỗng trên đảo Svalbard (Bắc Cực) đang bị loài gấu Bắc cực đe dọa. Nguyên nhân là do băng tan khiến loài gấu không thể đến được với các khu vực kiếm ăn trước kia và buộc phải ăn trứng ngỗng.


Loài ngỗng ở Svalbard thường đi trú đông ở Vịnh Solway (biên giới giữa Anh – Scotland) và quay trở về sinh đẻ vào mỗi mùa hè. Tuy nhiên, mùa đông vừa rồi, chỉ có một nửa số ngỗng được dự đoán bay tới Solway và theo báo cáo từ Svalbard thì tình hình tương tự có thể xảy ra vào mùa đông năm nay.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Groningen và WWT đã tiến hành quan sát mười con gấu Bắc cực trong vòng 8 tuần trên đảo Diabasoya. Con gấu đầu tiên được quan sát cho thấy đã ăn hơn 1000 quả trứng ngỗng, các con gấu còn lại cũng phá hủy số lượng trứng tương tự.

Tổng cộng trên đảo có khoảng hơn 500 tổ ngỗng, nhưng chỉ còn sót lại chưa đến 40 tổ, mà phần lớn là những tổ nhỏ. Những con ngỗng mất trứng chẳng biết làm gì ngoài việc nhìn gấu phá tổ của mình rồi tiếp tục bay đi kiếm ăn.

Ngỗng là một loài sống rất lâu, nhưng nếu sự sinh sản của chúng tiếp tục bị ảnh hưởng theo cách này thì “dân số ngỗng” sẽ nhanh chóng già, đe dọa đến sự ổn định loài và tương lai bảo tồn.

Người đứng đầu WWT, ông Martin Spray cho biết: “Thật là một thảm kịch khi chứng kiến hai loài cần được bảo tồn tiêu diệt lẫn nhau để tồn tại. Điều này cũng minh chứng cho sự khắc nghiệt của giới tự nhiên và gây ra nhiều lo lắng cho WWT và các đối tác quốc tế.”

Từ trước tới nay loài ngỗng vẫn thường làm tổ an toàn trên những hòn đảo ngoài tầm có thể xâm hại của các động vật ăn thịt như cáo hay gấu Bắc cực. Nhưng do hiện tượng băng tan, ngày càng nhiều gấu bắc cực sục sạo trên các hòn đảo, đe dọa sự tồn tại của loài ngỗng.

Xoay sở trước tình hình này, những con ngỗng tinh khôn đã sử dụng các vách đá nhô ra biển để làm tổ. Mặc dù đây là một khó khăn mới với ngỗng con, nhưng tổ của chúng lại được an toàn trước sự tàn phá của gấu. Dường như đây là giải pháp duy nhất cho mùa sinh sản của ngỗng.

Những nỗ lực bảo tồn trong hơn 60 năm qua đã thành công trong việc nâng số lượng ngỗng Bắc cực từ 300 con vào năm 1940 lên 30.000 con hiện nay. Các nhà nghiên cứu hy vọng loài ngỗng sẽ thích nghi kịp thời để giảm những thiệt hại về số lượng. Nếu không, những con gấu háu đói Bắc cực sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất cho câu chuyện bảo tồn thành công loài ngỗng này.