Ấn Độ – Nepal hợp tác bảo tồn hổ, tê giác xuyên biên giới

Ấn Độ và Nepal chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm bảo tồn xuyên biên giới các loài như tê giác Ấn Độ (Rhinoceros unicornis), hổ Bengal (Panthera tigris) và voi châu Á (Elephas maximus). Bản ghi nhớ (MOU) dự kiến ​​sẽ được ký trước khi Ấn Độ bầu cử quốc hội vào tháng Tư tới.

Hai nước chia sẻ hơn 1.850 km đường biên giới, giáp với 5 bang của Ấn Độ gồm: Sikkim, Tây Bengal, Bihar, Uttar Pradesh và Uttarakhand, người dân hai nước được tự do di chuyển qua biên giới.

Đường biên giới cũng bao gồm một số sinh cảnh hoang dã xuyên biên giới như Khu bảo tồn hổ Valmiki ở Ấn Độ chạy vào VQG Chitwan và VQG Parsa của Nepal; Khu bảo tồn hổ Ấn Độ Dudhwa ở bang Uttar Pradesh có chung đường biên giới với VQG Shuklaphanta ở Nepal. Do đó, MOU ​​sẽ tập trung vào việc quản lý cảnh quan xuyên biên giới.

Một con hổ Bengal ở Ấn Độ (Ảnh: Rhett A. Butler)

S.P. Yadav, thành viên của Ủy ban đa dạng sinh học bang Uttar Pradesh cho biết hiện tại chưa có MOU chính thức giữa hai nước.

“MOU sẽ đưa đến các cam kết đối ứng, thể hiện qua những hành động được thống nhất chung về cảnh quan xuyên biên giới. Hổ, voi và tê giác sẽ được bảo tồn tốt hơn. MOU sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết nạn buôn lậu do việc chia sẻ thông tin được cải thiện”, Yadav, người làm việc tại Cơ quan bảo tồn hổ quốc gia Ấn Độ và Diễn đàn hổ toàn cầu, phân tích.

“Hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia sẽ tiến một chặng dài trong bảo tồn đa dạng sinh học ở cả hai bên. MOU sẽ là một công cụ chính thức sẽ đưa đến sự hợp tác xuyên biên giới tốt hơn”, ông nói thêm.

Nakul Chettri, chuyên gia cao cấp về đa dạng sinh học của Trung tâm Hội nhập và Phát triển miền núi Quốc tế (ICIMOD) có trụ sở tại Kathmandu, Nepal cho biết MOU sẽ là một bước đáng hoan nghênh.

“Muộn còn hơn không. Đây là điều rất cần thiết thúc đẩy hợp tác bảo tồn xuyên biên giới. Ấn Độ và Nepal đã hợp tác trong một số vấn đề liên quan đến ĐVHD nhưng điều này sẽ củng cố hợp tác song phương và tăng cường quản lý sinh cảnh hoang dã xuyên biên giới quan trọng. Nó sẽ có lợi cho cả hai”, Chettri nói

Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ môi trường Ấn Độ phát biểu rằng MOU đã được bàn thảo từ vài tháng trước và sẵn sàng cho hai bên ký kết: “Chúng tôi hy vọng rằng MOU sẽ được ký sớm – trước cuộc bầu cử. Một ngày thích hợp đang được xác định”.

Cuộc bầu cử dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng Tư và tháng Năm năm nay.

Tập trung quan trọng vào bảo tồn hổ

MOU được mong chờ ​​sẽ nhấn mạnh vào hợp tác bảo tồn và bảo vệ loài hổ, loài động vật quốc gia của Ấn Độ. Theo ước tính quần thể năm 2014, Ấn Độ là nơi sinh sống của 2.226 con hổ, tăng từ mức 1411 con vào năm 2006. Tương tự, các ước tính mới nhất cho thấy số lượng hổ của Nepal vào khoảng 235 con, tăng từ mức 120 con vào năm 2009. Ước tính mới nhất quần thể hổ của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ được công bố trong năm nay.

Hợp tác hai nước về bảo tồn hổ là rất quan trọng vì quần thể hổ ở cả hai nước gia tăng ổn định trong 10 đến 12 năm qua. Đồng thời, hổ vẫn là một loài có nguy cơ tuyệt chủng, bị đe dọa bởi nạn săn trộm và xung đột giữa người và ĐVHD. Khadka cho biết MOU sẽ tập trung nhiều vào việc bảo tồn hổ.

“Theo ước tính năm 2018, được thực hiện bằng phương pháp khoa học, quần thể hổ của chúng tôi là 235 con. Tuy nhiên, chúng tôi đang lên kế hoạch kiểm tra chéo với chính quyền Ấn Độ về quần thể hổ di chuyển qua biên giới để có được ước tính rõ ràng”.

Theo Yadav thì hành lang hổ cho phép những con mèo lớn di chuyển giữa các sinh cảnh, rất quan trọng cho sự sống còn của các loài: “Kết nối hành lang là rất quan trọng đối với sự sống còn của loài hổ. Đối với nhiều khu bảo tồn hổ ở miền bắc và miền đông Ấn Độ, điều đó chỉ có thể thành hiện thực thông qua cảnh quan Terai của Nepal. Vì vậy, theo quan điểm của cả Ấn Độ và Nepal, thỏa thuận này sẽ rất trọng yếu trong việc duy trì hành lang hổ”.

Ấn Độ và các nước láng giềng bao gồm Nepal, Bhutan và Bangladesh đang xem xét khả năng báo cáo ước tính về loài hổ ở cấp độ tiểu lục địa. Khadka cho biết họ cũng đang xem xét khả năng phát triển các tuyến du lịch xuyên biên giới.

Một báo cáo gần đây liên quan đến du lịch bền vững ở khu vực Himalaya của Ấn Độ, do think-tank liên bang NITI Aayog thực hiện, cũng vận động cho các tuyến du lịch xuyên biên giới.

“Tại các khu vực khác trên thế giới, các tuyến du lịch xuyên biên giới đã trở thành biểu tượng của hợp tác liên quốc gia để phát triển kinh tế xã hội cũng như vì hòa bình và ổn định lâu dài”, báo cáo cho biết.

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)

Nguồn: