Trên 800ha lúa vụ 3 chết vì hạn mặn tại Sóc Trăng

ThienNhien.Net – Thời gian qua do nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 800ha lúa xuân hè (hè thu sớm, còn gọi là lúa vụ 3) thiếu nước ngọt tưới tiêu đang khô cháy, thiệt hại hoàn toàn.

Huyện Trần Đề có lúa chết nhiều với khoảng 500ha. Ngoài ra, trong tỉnh còn có hàng chục ngàn ha lúa khác cũng đang có nguy cơ ảnh hưởng do thiếu nước, giảm năng suất. Hiện các hộ dân không còn chăm sóc những ruộng lúa đã bị chết.

Anh Lý Sơn, một nông dân Khmer ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề cho biết cách đây hơn nửa tháng, anh xuống giống 1ha lúa xuân hè. Sau 5 ngày xuống giống, lúa phát triển tốt, nhưng sau đó lúa bị chết, anh cố gắng bơm nước để cứu lúa, nhưng do nước đã bị nhiễm mặn, nên không được…

Hiện các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đang triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn để bảo vệ trà lúa xuân hè.

Ảnh minh hoạ: baobaclieu.vn
Ảnh minh hoạ: baobaclieu.vn

Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết hệ thống thủy nông của tỉnh đang theo dõi vận hành để bảo vệ diện tích xuân hè còn lại.

Biện pháp cụ thể là vận hành lấy nước ngọt tập trung vào tuyến dự án Long Phú, Tiếp Nhật; tranh thủ đợt triều kém độ mặn hạ xuống để lấy nước vào đồng. Đồng thời phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo bà con lấy nước dự trữ phục vụ diện tích còn lại.

Theo số liệu đo độ mặn tại các điểm nằm dọc theo Sông Hậu như Đại Ngãi, An Lạc Tây, Long Phú, Trần Đề, Thạnh Thới Thuận, Thạnh Phú và tại thành phố Sóc Trăng, độ mặn đo được đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các cống tại các điểm này đã được đóng lại không cho nước mặn vào.

Tuy nhiên, hiện các cống đóng lâu ngày nên nước trên kênh mương nội đồng đang cạn dần và một số nơi đã nhiễm phèn mặn không thể bơm vào được. Trước thực trạng này, ở một số địa phương, nông dân đã khoan giếng nước ngầm bơm lên để tưới cho cây lúa.

Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết mạch nước ngầm dưới lòng đất rất hạn chế, việc nông dân khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sản xuất thường xuyên xảy ra hàng năm, gây ô nhiễm và cạn kiệt. Do đó, năm nay tỉnh khuyến cáo nông dân không nên lấy nước ngầm để tưới lúa. Vì nước ngầm ở Sóc Trăng hầu hết đều có sắt và phèn rất cao.