Chính sách lâm nghiệp hỗ trợ con người và thiên nhiên

ThienNhien.Net – Với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), các nhà nghiên cứu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến chính sách lâm nghiệp và những thách thức trong việc tiếp cận thị trường cho các sản phẩm trên đất lâm nghiệp của những nhóm người nghèo sống phụ thuộc vào rừng của tỉnh Bắc Kạn tại hội thảo vào trung tuần tháng 4 vừa qua.


Kết quả nghiên cứu, bắt đầu từ năm 2008, sẽ được sử dụng để khuyến nghị về chính sách ở cấp địa phương và quốc gia giúp những nhóm người nghèo sống phụ thuộc vào rừng có thể thu được nhiều lợi ích hơn từ các sản phẩm mà họ làm ra. Đây là một phần trong Chiến lược Dự án Cảnh quan và Sinh kế (LLS) của IUCN.

LLS hướng tới liên kết quản lý rừng với xóa đói giảm nghèo. Việc xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn thông qua sử dụng bền vững các sản phẩm trên đất lâm nghiệp giúp cải thiện công tác bảo tồn rừng. Tại Việt Nam, LLS ban đầu tập trung vào hỗ trợ chính sách cho người nghèo và vì sự phát triển bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu của LLS, hội thảo trên đã trình bày các kết quả và bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu năm 2008, trao đổi ý tưởng và những phát hiện giữa các thành viên mạng lưới, thiết kế nội dung nghiên cứu phù hợp hơn cho năm 2009.

Quá trình Nghiên cứu và Khảo sát (SLP) được thảo luận tại hội thảo là sự phối hợp giữa IUCN và Sở NN & PTNT tỉnh Bắc Kạn.

Nghiên cứu trình bày trong hội thảo là nghiên cứu thí điểm ở cấp thôn được tiến hành năm 2008 với 3 chủ đề: (i) sinh kế, sử dụng và tiếp thị sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, (ii) quản lý rừng, và (iii) tái tạo cảnh quan rừng.

Nghiên cứu thử nghiệm đã được kết quả bước đầu và có những thông tin hữu ích. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu, IUCN và Sở NN & PTNT cùng nhất trí rằng mô hình nghiên cứu cấp thôn chưa phải là mô hình tốt nhất để đưa ra khuyến nghị về chính sách. Nhóm nghiên cứu cũng nhất trí rằng sẽ sử dụng những phát hiện trong nghiên cứu tiếp theo.

Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu được xây dựng dựa trên những hoạt động đã hoàn thành năm 2008, bằng việc tập trung cụ thể hơn vào thương mại các sản phẩm trên đất lâm nghiệp và Quản lý rừng Cộng đồng (CFM).

CFM được thừa nhận là một trong những phương pháp quản lý rừng hiệu quả nếu có thể chế chính sách rõ ràng, phù hợp với năng lực của người dân. Hiện người dân địa phương thiếu năng lực xây dựng kế hoạch quản lý rừng. Vì vậy, theo quy định họ không được phép sử dụng và khai thác rừng. Từ trước tới nay các thủ tục và quy định được xây dựng và áp dụng cho các lâm trường quốc doanh. Các nghiên cứu cần tiến hành để đưa ra các khuyến nghị chính sách giải quyết những vấn đề này.

Một vấn đề khác tại Bắc Kạn là cộng đồng sản xuất các sản phẩm trên đất lâm nghiệp nhưng khả năng tiếp cận thị trường của họ bị hạn chế. Họ luôn phải bán những sản phẩm của mình cho trung gian với giá thấp hơn. Nhóm nghiên cứu nhất trí đề xuất các giải pháp chính sách cấp địa phương và trung ương nhằm hỗ trợ cộng đồng được hưởng lợi thỏa đáng hơn từ các sản phẩm của họ.

Như vậy là trong năm 2009, dự án LLS sẽ tập trung vào thu thập thông tin và bài học từ các dự án đã và đang thực hiện, các chương trình tại tỉnh Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, và các địa điểm khác. Sau đó, sẽ đưa ra các đề xuất chính sách cấp địa phương và trung ương để hướng tới thiết lập thị trường bền vững và công bằng hơn cho các sản phẩm trên đất lâm nghiệp và các quy định khả thi cho CFM.