Về Thạch Ngàn học ông Thi trồng rừng

ThienNhien.Net – Là người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam, ông Vi Văn Thi đã chứng kiến những thảm họa đế quốc Mỹ rải chất độc da cam ở chiến trường, làm những cánh rừng đang xanh tốt, trong chốc lát chỉ còn trơ trọi với những cây cháy khô. Những dòng suối đang trong xanh, khi bị chất độc da cam rải xuống làm nước đỏ ngầu… Quá khứ đó khiến ông Thi, một người lính chiến đấu vì Tổ quốc đã không khỏi bàng hoàng, ám ảnh đến ngày nay.

Bản thân ông bị nhiễm chất độc, chịu nhiều đau thương mất mát. Khi phục viên về quê, do cái đói, cái nghèo, người dân quê ông thi nhau vào rừng khai thác, làm cho những cánh rừng kiệt quệ. Khi có chủ trương giao đất khoán rừng, ông Thi mạnh dạn đứng ra nhận và trong lòng luôn canh cánh một điều là trồng lại rừng, trả lại mầu xanh cho rừng ngay tại mảnh đất nơi ông đang sống.

Ông Vi Văn Thi chăm sóc rừng trồng
Ông Vi Văn Thi chăm sóc rừng trồng

Người lính Cụ Hồ năm xưa Vi Văn Thi (dân tộc Thái) ở bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An). Sinh ra từ quê nghèo, tuổi thơ gắn với những cánh rừng cho nên cũng như bao người dân nơi đây ông khao khát cảnh bình yên. Khi đất nước có chiến tranh, ông Thi lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, 17 năm vào sinh ra tử trong chiến trường miền nam ông bị nhiễm chất độc da cam. Mặc dù vợ chồng ông sinh được hai người con trai, nhưng các cháu đã mất vì bị nhiễm chất độc da cam, để lại cho ông và gia đình nỗi đau thể xác và tinh thần rất lớn.

Năm 1986, đời sống người dân quê ông quá khó khăn, mọi người trong bản kéo nhau vào rừng để chặt phá gỗ, săn bắt động vật. Bản thân ông một thương binh, sức khỏe yếu, nhiều đêm cũng trằn trọc, trăn trở phải làm gì để thoát nghèo. Năm 1992, ông Thi nhận đất rừng khoanh nuôi bảo vệ, khai hoang trồng thêm các loại cây lấy gỗ và cây nguyên liệu: nứa, mét, mây, lim, dổi, dẻ… trên mảnh đồi hơn bốn ha, rồi cùng vợ trồng rừng, chăn nuôi.

Chỉ sau năm năm, khu rừng do vợ chồng ông Thi chăm sóc đã phát triển tốt tươi, ông Thi đã có gỗ làm nhà, có gỗ bán. Trong khu rừng của ông có những cây gỗ hơn 10 năm tuổi. Hiện nay gia đình ông thu nhập từ rừng gần 20 triệu đồng/năm. Ông Vi Văn Thi tâm sự: “Rừng là vốn quý mang lại nhiều lợi ích. Trải qua nhiều khó khăn, cánh rừng do gia đình tôi chăm sóc nay đã tốt tươi, tôi có nguyện vọng để con cháu cùng bảo vệ, trồng thêm nhiều loại cây giữ mầu xanh cho bản làng”.

Yêu mầu xanh của những cánh rừng, cuộc đời ông Thi luôn gắn bó và tiếp tục trồng rừng. Bởi theo ông, phá rừng kiếm lợi trong chốc lát thì dễ, nhưng trồng rừng và giữ rừng bền vững mới khó. Rừng đem lại cho con người lợi ích kinh tế và giữ được môi trường sinh thái. Việc làm của ông đã khiến cho nhiều người trong bản, trong xã cùng học tập làm theo.

Bây giờ đến xã Thạch Ngàn, nhắc đến ông Thi, trong bản ai cũng nể phục tinh thần chịu thương chịu khó. Ngồi trong căn nhà vững chãi mới được cất lên bởi chính gỗ ông trồng từ rừng, chúng tôi càng thấy được lợi ích của việc trồng rừng. Mô hình trồng rừng của ông Thi cần được nhân rộng ở các địa phương, đó cũng là cách bảo vệ cho rừng mãi xanh tươi.