Cân nhắc “đóng cửa rừng”

ThienNhien.Net – Một trong những biện pháp nhằm bảo tồn những khu rừng nguyên sinh còn sót lại là cấm tuyệt đối khai thác, hay nói nôm na là “đóng cửa rừng”. Đây là một trong những phương án cũng được nhiều ý kiến trong Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ – phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đề xuất. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là liệu đề xuất này có dễ thực thi?

Thực tế rừng già của Việt Nam

Báo cáo đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 cho biết, tổng diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam hiện nay còn chừng hơn 10 triệu ha. Tổng trữ lượng gỗ được đánh giá chừng 860 triệu m3. Tuy nhiên, theo thừa nhận của cơ quan chức năng Việt Nam, diện tích rừng giàu, tức rừng có trữ lượng gỗ cao trên 250m3/ha chỉ còn chiếm chừng 5%.

Hai chuyên gia trong ngành lâm nghiệp là ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát ở tỉnh Tây Ninh và ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Don ở Tây Nguyên đều đồng ý với đánh giá là rừng già của Việt Nam không còn là bao.

Ông Nguyễn Đình Xuân trình bày: “Rừng tự nhiên Việt Nam không còn bao nhiêu, đặc biệt là rừng tự nhiên có chất lượng tốt. Phần lớn rừng Việt Nam là rừng tự nhiên chỉ tồn tại ở khu vực đầu nguồn và rừng núi, chứ đồng bằng còn rất ít. Đối với đa dạng sinh học, Việt Nam trong những năm qua cũng đứng trước đe dọa rất lớn, đặc biệt đối với những loài thú lớn như voi, hổ, gấu, tê giác là những loài có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, về tâm linh và cả giá trị về khoa học và kinh tế của đất nước đang bị đe dọa tuyệt chủng, mà một trong những nguyên nhân là diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp hoặc bị chia cắt giữa các tỉnh làm cho chúng không đủ không gian để sinh tồn và gây ra những xung đột với con người nữa; ví dụ như voi ra phá vườn của dân vì rõ ràng chúng không có đủ diện tích để sống và nhiều vấn đề khác…”.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Don cũng thừa nhận: “Rừng tự nhiên Việt Nam hiện nay đang ở trong tình thế báo động, suy giảm rất nhanh kể cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, Nhà nước mới có hướng “đóng cửa việc khai thác rừng”.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Theo ông Trần Văn Thành, sau khi làm việc tại hai nơi ở những địa phương khác nhau, ông nhận thấy có những khác biệt ở những nơi đó. Ông cho biết: “Ở Tây Nguyên, việc quản lý và bảo vệ rừng có nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức hơn so với ở vùng Cát Tiên. Lý do vì đời sống của người dân ở Tây Nguyên hầu hết lệ thuộc vào rừng. Từ thời “khai thiên, lập địa” đến giờ, người ta tận dụng tất cả những tài nguyên từ rừng để phục vụ cuộc sống. Tất cả sinh kế của họ đều từ rừng. Còn Cát Tiên do ở gần TP.HCM nên sinh kế có thể thay đổi được. Với Tây Nguyên, sinh kế phụ thuộc nhiều vào rừng nên việc phá rừng nhiều, qui mô và tính chất lớn”.

Nhu cầu phải đóng cửa rừng

Trước tình hình thực tế đáng ngại trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc xem xét tạm đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc là vấn đề cần phải được nhấn mạnh và phân tích kỹ trong Đề án về khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn kể từ sang năm cho đến năm 2030.

Cả hai chuyên gia Nguyễn Đình Xuân và Trần Văn Thành đều ủng hộ biện pháp được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc tới. Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng phải tiến hành càng sớm càng tốt mới mong có thể giữ số diện tích còn lại. Ông nhấn mạnh: “Mặc dù mới ở giai đoạn bàn thảo những tôi cho rằng phải “đóng cửa” càng sớm càng tốt; nếu không nói đến bây giờ là quá muộn. Thực ra việc khai thác gỗ rừng tự nhiên hiện nay không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Phần lớn những sản phẩm không đem lại nhiều lợi nhuận mà chi phí rất lớn. Rồi các loại “tiêu cực” rất nhiều. Người ta chỉ lợi dụng để phá quá lượng được phép, “quay vòng” giấy phép để trộn gỗ lậu vào, và đặc biệt tôi biết hiện trên thế giới người ta cũng hạn chế việc nhập khẩu gỗ từ rừng tự nhiên, kể cả gỗ có giấy phép vì họ nghi ngại những giấy phép đó không hoàn toàn chính xác. Bản thân tôi ủng hộ đề xuất này và muốn nó được tiến hành càng nhanh, càng chặt chẽ càng tốt”.

Ông Trần Văn Thành cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ chính sách “đóng cửa rừng” được đưa ra: “Tôi nghĩ do hiện trạng rừng Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại rất mạnh nên chính phủ mới dự kiến ra quyết định đó”. Tuy nhiên, theo ông, để thực hiện có hiệu quả biện pháp đóng cửa rừng, cần sự ủng hộ của toàn xã hội, đặc biệt, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn – đơn vị tham mưu chính cho chính phủ phải đẩy nhanh tiến trình để chính phủ ra quyết định”.

Chia sẻ kinh nghiệm của Vườn quốc Gia Lò gò – Xa Mát về hoạt động bảo tồn rừng, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết: “Rừng của tỉnh chúng tôi không còn nhiều, chỉ chừng 70.000 ha rừng thôi; nhưng số rừng khi “đóng cửa” như vậy được giữ gìn tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có thể hình dung sau khi đóng cửa thì hầu hết những loại gỗ ngoài thị trường là gỗ bất hợp pháp nên cơ quan chức năng có thể “sờ gáy”, bắt bất cứ lúc nào; không thể nói gỗ có giấy phép. Trên thị trường chỉ còn lại gỗ rừng trồng, và một ít gỗ nhập khẩu; ở đây chúng tôi dùng rất ít gỗ nhập khẩu”.

Có thể nói, biện pháp quyết liệt phải “đóng cửa” những khu rừng tự nhiên sẽ đáp ứng được mong mỏi của những người lo lắng cho mảng xanh của đất nước, và họ tin tưởng chính sách đó sẽ có hiệu quả.