Con đường gỗ lậu

ThienNhien.Net – Quốc lộ 25 nối 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên được xem là con đường trọng yếu nối 2 vùng kinh tế Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Giáp Tết, trên con đường này, những chuyến xe gỗ lậu ầm ào hằng đêm

Đêm xuống, trăng tháng chạp ở vùng cao nguyên như mờ ảo hơn trong sương núi. Ngồi bên tách cà phê đặc quánh, anh T. (một người dân huyện Sơn Hòa – Phú Yên), người tình nguyện đưa tôi đi theo dõi lâm tặc, nói nhỏ: “Bọn chúng bị động rồi, giờ này thường có kiểm lâm tuần tra”.

Đêm không bình yên

Để tránh tai mắt của kiểm lâm, dân vận chuyển gỗ lậu trên Quốc lộ 25 chủ yếu chỉ hoạt động vào ban đêm nhưng mỗi khi “ăn hàng” đều có lực lượng cảnh giới dày đặc từ các trạm, hạt kiểm lâm, Ban Quản lý (BQL) Rừng đặc dụng Krông Trai – huyện Sơn Hòa đến… từng nhà kiểm lâm viên. “Dường như mọi động tĩnh của chúng tôi đều bị lâm tặc theo dõi. Chúng tôi ở nhà hay dự tiệc chỗ nào…, họ đều biết” – ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng BQL Rừng đặc dụng Krông Trai cho biết.

Mới 19 giờ, Quốc lộ 25 đã vắng teo. Thi thoảng, chúng tôi mới thấy vài ánh đèn xe máy loạng choạng của những đệ tử lưu linh chạy hướng thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa về các xã. Dường như biết được thắc mắc của tôi, anh T. bảo: “Giờ này chẳng ai dám ra đường. Lâm tặc chạy khiếp lắm. Đặc biệt, khi bị kiểm lâm rượt đuổi, chúng rút dây, bỏ gỗ lăn lóc trên đường, mình chạy xe không thấy, vướng phải là đi tong”.

Không cầm cự được với cái lạnh và buồn của đêm miền núi ế khách, sau khi dò xét, chủ quán lân la tiếp chuyện: “Bao nhiêu người ở đây bị vạ nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị lâm tặc trả thù”. Như thấy mình lỡ lời, chủ quán liền giả lả: “Nhưng anh đừng nói tui kể nhé”.

Gần 1 giờ, bỗng có ánh đèn xe máy chạy chậm từ hướng Tây đổ về. Anh T. đứng phắt dậy, không nói, chỉ vỗ nhẹ lên vai tôi ra hiệu. Quả nhiên, phía sau chiếc xe cảnh giới ấy, 11 xe máy chất đầy gỗ nối đuôi nhau phóng như bay. Chỉ cần nhìn lướt qua, chúng tôi đã nhận ra ngay đây là đội xe vận chuyển gỗ lậu chuyên nghiệp. Những chiếc xe máy trụi lủi nhưng bộ nhún được đôn lên để có thể chở được nhiều gỗ, nòng đã được xoáy để tiếng rú ga như xé toạc màn đêm.

Đợi đến khi chiếc cuối cùng qua mặt, anh T. mới dám nổ xe máy chở tôi chạy theo sau. Khi chúng tôi chạy đến gần để ghi hình, một tên lâm tặc nghi ngờ quay đầu lại dò xét. Dẫu nhận ra không phải là lực lượng kiểm lâm nhưng anh ta vẫn ném ánh mắt “mang hình viên đạn” về phía chúng tôi…

270113_CMT_go1

270113_CMT_go2
Gỗ lậu đưa lên xe và chạy bạt mạng trong đêm ở Quốc lộ 25

Liều lĩnh, táo tợn

Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, khẳng định Quốc lộ 25 là con đường vận chuyển gỗ lậu nóng nhất hiện nay. Dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường công tác chốt chặn nhưng vẫn không ngăn được dòng gỗ lậu từ Tây Nguyên tuôn chảy về xuôi.

Theo ông Công, phần lớn gỗ ở đây được khai thác từ những cánh rừng của Gia Lai và Khu Bảo tồn thiên nhiên EaSô – Đắk Lắk. Sau khi khai thác, gỗ được lâm tặc vận chuyển bằng xuồng theo sông Cà Lúi và sông Krông H’năng tập kết tại các đảo nằm trong lưu vực hồ thủy điện Sông Ba Hạ (gần bến Buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa), đợi đến đêm mới đưa lên Quốc lộ 25 vận chuyển về xuôi.

Đứng tại bến Buôn Thu, chúng tôi có thể nhìn thấy gỗ chất đống trên đảo. Mỗi ngày, tại bến có hàng chục chiếc xuồng đậu nhưng lực lượng chức năng không thể dùng truy bắt lâm tặc vì các chủ xuồng ở đây đều nằm trong đường dây vận chuyển gỗ lậu. “Trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, lâm tặc lại rất liều lĩnh nên chúng tôi vẫn chưa ngăn chặn triệt để được nạn vận chuyển gỗ lậu” – ông Công thừa nhận.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết đã có lần ông suýt chết vì bị lâm tặc tấn công. Hôm ấy, ông “vi hành” kiểm tra công tác chốt chặn của lực lượng kiểm lâm. Phát hiện đoàn xe đang chở gỗ lậu, ông cùng các kiểm lâm viên truy bắt. Tuy nhiên, khi chặn được xe, các lâm tặc đã dùng rựa xông vào chém tới tấp, buộc ông và các kiểm lâm viên phải bỏ chạy. Khi ông Công gọi được lực lượng đến hỗ trợ và đưa gỗ về trạm kiểm lâm thì lâm tặc lại ngang nhiên xông vào cướp gỗ.

Mới đây, phát hiện 2 ô tô chở gỗ lậu cùng một xe du lịch 4 chỗ ngồi dẫn đường từ Quốc lộ 25 hướng về huyện Tuy An – Phú Yên, Hạt Kiểm lâm Tuy An tổ chức chặn bắt. Khi bị nổ súng truy đuổi, 2 lâm tặc trên xe gỗ lậu đã xông ra dùng tuýp sắt và mỏ lết đánh tới tấp làm ông Phạm Ngọc Phương, cán bộ kiểm lâm huyện, trọng thương.

Trước đó, rạng sáng 5/1, trong khi tuần tra, lực lượng kiểm lâm của BQL Rừng đặc dụng Krông Trai cũng phát hiện 2 ô tô chở gỗ lậu trên Quốc lộ 25. Dù bị nổ súng làm bể bánh nhưng chiếc xe chạy sau vẫn lạng lách để cản đường cho xe chở gỗ lậu phía trước tẩu thoát. Khi kiểm lâm đưa được một xe gỗ lậu về BQL thì hàng chục thanh niên mang rựa, mã tấu xông đến để cướp lại, buộc lực lượng kiểm lâm phải nhờ đến công an hỗ trợ.

Bỗng nhiên bị vạ lây

Không chỉ những người “ăn của rừng” mới “rưng rưng nước mắt”, nhiều nông dân chân lấm tay bùn cũng bị vạ lây từ những chuyến xe gỗ lậu trên Quốc lộ 25. Khi chúng tôi đến thăm, ông Lê Ngọc Tâm, ngụ thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, đang nặng nhọc lê chân trái xuống xuồng để cho cá ăn. Sau khi gặp nạn, ông được một cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Sơn Hòa thương tình cho mượn một cái hồ rộng chừng 500 m2 nuôi cá để kiếm sống.

Nhắc đến vụ tai nạn, mặt ông Tâm tái nhợt, tay đè nặng vào ngực để thở. “Chiều tối hôm ấy, như thường lệ, tui chạy xe lên hồ thủy điện Sông Ba Hạ để đánh lưới kiếm tiền nuôi vợ con bị bệnh phải phẫu thuật tại TPHCM. Bất ngờ, một xe máy chở súc gỗ dài phóng tới theo hướng ngược chiều. Dù tui đã tấp vào lề nhưng súc gỗ vẫn đập vào hông làm tui văng ra đường, chân trái va vào cọc tiêu bên đường gãy làm 5 khúc. Sau khi gây tai nạn, tên lâm tặc bỏ chạy, tui phải lấy hết sức mình gỡ chân đã bị nát ra khỏi cọc tiêu và chờ người đến giúp” – ông Tâm hãi hùng nhắc lại.

Sau này, cơ quan điều tra đã xác định lâm tặc gây vạ cho ông Tâm là Mai Xuân Hòa. Dù TAND huyện Sơn Hòa buộc phải bồi thường cho nạn nhân 91 triệu đồng nhưng Hòa chỉ mới đưa được 24 triệu đồng, số tiền còn lại xin khất vì không có. Trong khi đó, ông Tâm phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để phẫu thuật. Tuy đã ghép lại xương nhưng hiện chân trái của ông vẫn không đi được. “Từ một lao động chính, giờ tui trở thành người tàn phế mất rồi” – ông Tâm rầu rĩ.

Cuối năm 2011, chập choạng tối, trên đường đi bộ từ nhà hàng xóm trở về, bà Nguyễn Thị Xem, ngụ thôn Tân An, xã Suối Bạc, đã bị súc gỗ của một lâm tặc tên Được vận chuyển cùng chiều phía sau gạt vào cổ. Dù được Bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM bắt vít để ổn định đốt sống cổ đã bị tổn thương nhưng phải mất gần 1 năm sau, bà mới đi lại được. “Giờ đây, ban đêm không những tui không dám ra đường mà mỗi khi nghe tiếng xe chạy là bủn rủn, thở không nổi” – bà Xem ngao ngán.

Kiểm lâm phải trực Tết 24/24 giờ

Ông Phan Văn Công cho biết hiện lực lượng kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang tăng cường chốt chặn trên Quốc lộ 25 để ngăn chặn tình trạng vận chuyển gỗ lậu từ các tỉnh Tây Nguyên về đồng bằng.

“Ngoài ra, đội kiểm lâm cơ động của tỉnh buộc phải trực 24/24 giờ, kể cả ngày Tết, để sẵn sàng tăng cường kiểm tra, xử lý lâm tặc khi có tin báo. Tết là dịp lâm tặc lợi dụng để vận chuyển gỗ trái phép nên chúng tôi không thể lơ là” – ông Công cho biết.

 

“Trả nợ” cho rừng

Người dân huyện Sơn Hòa vẫn thường kể cho nhau nghe về vụ “trả nợ rừng” của một lâm tặc nổi danh. Ông này là Bùi Văn Lộc, ngụ thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Theo bà Liễu, vợ ông Lộc, không một cánh rừng nào, hóc núi nào không có dấu chân chồng mình. Nhờ đi gỗ, ông Lộc xây được căn nhà thuộc loại lớn nhất ở Suối Bạc. Chiều 1/9/2012, trên đường chở “hàng” về nhà, ông bị súc gỗ dài 2 m phía sau vướng vào hàng cây bên đường, ngã nhào. Ông Lộc bị chấn thương sọ não và tử vong tại bệnh viện sau đó. “Bây giờ tiền nợ ngân hàng khi xây nhà còn 280 triệu đồng. Tui chưa biết làm sao vừa trả nợ vừa nuôi 3 con nheo nhóc nữa” – bà Liễu ngậm ngùi.

270113_CMT_go3