Bán sưa rừng Cúc Phương, kiểm lâm “đút túi” hàng trăm triệu đồng?

ThienNhien.Net – Khi nhận được thông tin đường dây nóng từ bạn đọc, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã kịp thời có mặt tại VQG Cúc Phương. Tuy nhiên, cây sưa có niên đại hàng chục năm tuổi đã bị một số kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm số 9 nhanh chóng tẩu tán từ tháng 6/2012.

Sưa rừng “biến” thành sưa nhà

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Kiều, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 9 khẳng định: “Cái cây này không thuộc vào diện tích Nhà nước đầu tư, cái này anh em tự bỏ vốn ra trồng làm cây bóng mát… Tức là cây này mang tính chất là cây vườn nhà trồng và bán nó thì phải được sự thỏa thuận nhất trí của lãnh đạo cơ quan”. Tuy khẳng định là cây sưa do người trong trạm tự bỏ vốn trồng, thế nhưng cụ thể những ai đã trồng thì ông Kiều không rõ. “Tất cả việc mua bán đã báo cáo chính quyền địa phương và cấp trên, chứ tôi không có quyền…”, ông Kiều phân trần. Ông Kiều cũng thừa nhận, Hạt đã bán gốc sưa với giá 600 triệu đồng.

Ông Trương Quang Bích - Giám đốc VQG Cúc Phương trao đổi với PV
Ông Trương Quang Bích – Giám đốc VQG Cúc Phương trao đổi với PV

Cùng chung quan điểm, ông Trương Quang Bích, Giám đốc VQG Cúc Phương cũng khẳng định: “Anh em ở đấy tự gây trồng ở trong trạm, cũng giống như mình trồng cây xoan, cây đào… Lãnh đạo chúng tôi có họp bàn và xác định đây là tài sản của anh em kiểm lâm tự trồng, quyền là của anh em tự quyết định khai thác” (?!)

Khi được hỏi về bằng chứng để chứng minh cây sưa do tập thể cán bộ kiểm lâm trồng thì ông Bích cũng trả lời “không có”. Người dân địa phương bức xúc trước việc làm của kiểm lâm bởi tài sản trong VQG họ tự nhận của mình rồi tự do khai thác. Đặc biệt, không cần phải chờ đến khi dự án triển khai, kiểm lâm đã nhanh nhảu khai thác bán đi.

Ông Bích cũng cho biết, trách nhiệm của ban giám đốc VQG chỉ dừng lại ở việc xác nhận cây sưa thuộc quyền sở hữu của tập thể kiểm lâm, quá trình bán như thế nào không cần phải xin ý kiến cấp trên, cũng không có một quyết định bán cây nào hết từ ban giám đốc.

“Ông nói gà, bà nói vịt” 

Ông Đinh Thúc Chiến- Chủ tịch UBND xã Cúc Phương làm việc với PV tại trụ sở UBND xã Cúc Phương
Ông Đinh Thúc Chiến- Chủ tịch UBND xã Cúc Phương làm việc với PV tại trụ sở UBND xã Cúc Phương

Nói về thủ tục bán cây sưa, ông Bích khẳng định: “Việc bán cây có đơn từ kèm theo hồ sơ, có xác nhận của chính quyền địa phương và hạt kiểm lâm… Chính xã là người đi kiểm kê, họ kí vào trong tất cả các hồ sơ và nắm được các số liệu kiểm kê”.

Thế nhưng, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Thúc Chiến lại khẳng định: “Việc bán sưa của kiểm lâm Vườn Cúc Phương như thế nào thì chúng tôi không biết, cây gỗ sưa này nằm trong diện giải tỏa, khi kiểm đếm người ta không tính giá trị đó mà người ta tính vào loại cây gỗ bình thường. Sau khi giải phóng mặt bằng, họ bán như thế nào chúng tôi không biết. Trên Vườn Quốc gia vừa rồi chỉ có một thông báo cho xã là thanh lý một số gỗ nhưng là gỗ keo (?!)”.

Về việc xác nhận cây sưa, ông Chiến cho biết: “Trước đây, đã có lần các anh ấy (kiểm lâm-PV) đặt vấn đề với xã về việc xác nhận cho giải tỏa cây sưa đi nhưng tôi bảo tôi không ký, cái này chúng tôi không can thiệp. Các anh ấy bảo là vì sợ bị ăn cắp, ăn trộm nên mới bán nhưng nhiệm vụ của các anh ấy là bảo vệ cây”. Ông Chiến khẳng định, việc bán cây sưa, Hạt Kiểm lâm số 9 không có báo cáo cho xã.

Khu vực dành cho cây sưa trong vườn thực vật thuộc VQG Cúc Phương
Khu vực dành cho cây sưa trong vườn thực vật thuộc VQG Cúc Phương

Ông Bùi Văn Quỳnh, Trưởng Công an xã Cúc Phương cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, có 22 trường hợp bị bắt về tội khai thác gỗ sưa trên địa bàn xã. Trong đó có 9 trường hợp là người dân của xã Cúc Phương, còn lại là các trường hợp người dân ở nơi khác đến khai thác, có trường hợp 2 bố con cùng phạm tôi khai thác gỗ sưa”.

Trạm Kiểm lâm số 9 nằm sát VQG Cúc Phương (nơi trồng và bảo vệ các loại cây có nguồn gen quý hiếm). Điều đáng nói, có hẳn một khu vực dành cho cây sưa ở trong vườn này. Không hiểu vì sao cây sưa không được đưa vào trồng tại khu vực bảo tồn mà đã tự mang bán để lấy 600 triệu “đút túi”. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những phản ánh trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.

Tháng 4/2011, Ban quản lý VQG Cúc Phương đã “dọn vườn” bằng cách tự ý chặt hạ hàng loạt cây gỗ và đem bán với giá củi mà không hề có sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nay, dư luận địa phương lại đang nóng lên việc kiểm lâm bán gỗ sưa vì cho đó là “sưa nhà”.