Hậu thủy điện An Khê – Kanak: Dân tái định cư thiếu đất

ThienNhien.Net – Theo quy hoạch phát triển thủy điện An Khê – Ka Nak, huyện K’bang và thị xã An Khê có tổng cộng hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên khi chặn dòng tích nước, Ban quản lý dự án thủy điện 7 của EVN vẫn chưa hoàn thành việc đền bù, cấp đất cho người dân, khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Giữa trưa, khu tái định cư làng K’rối (xã Đắk Smar, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) vô cùng yên ắng, chỉ có tiếng gió núi lùa qua những dãy nhà liền kề xây san sát. Vẻ ngoài tuy khang trang, tươm tất nhưng dường như không phản ánh cuộc sống sung túc, no đủ mà đằng sau nó là tình trạng khốn khó của người dân. Đất K’Rối vốn cằn cỗi, ruộng nước thì toàn cát sỏi, đất nà rẫy nằm trên dốc đứng, trời đổ trận mưa đã bạc màu, dân chẳng có tiền để cải tạo nên trồng cấy cây gì cũng khó.

 Nhiều khu tái định cư thủy điện An Khê – Kanak được xây dựng khang trang nhưng người dân thiếu hoặc chưa được cấp đất tái định canh (Ảnh: Nhật Anh)
Nhiều khu tái định cư thủy điện An Khê – Kanak được xây dựng khang trang nhưng người dân thiếu hoặc chưa được cấp đất tái định canh (Ảnh: Nhật Anh)

102 hộ rời làng đã hơn hai năm, thủy điện hứa khai hoang, chia đất tái định canh cho dân nhưng mãi chưa thấy. Nơi ở mới lại chật chội, không đủ điều kiện chăn nuôi nên nhiều người dân phải bán cả gia súc cũ đi. Chăn nuôi không được, chuyển đổi cây trồng không xong, quanh đi quẩn lại chỉ có thể trồng bắp và khoai mì, đời sống người dân vô cùng chật vật.

Vẫn khoác gùi trên vai sau chuyến đi lên rẫy, nhưng chia sẻ với chúng tôi, già làng Đinh Rai thoáng vẻ lo âu: “Nhà già có 6 người nhưng chỉ có 3-4 sào đất cũ, đất sản xuất tái định canh đến giờ vẫn chưa được cấp. Giờ làm rẫy phải leo bộ qua dốc ngọn núi đằng kia. Năm nay chuột ăn hết, nắng hạn, mất mùa, đói thôi.”

Già làng Đinh Rai (Ảnh: Nhật Anh)
Già làng Đinh Rai (Ảnh: Nhật Anh)

Chị Đinh Thị Hồng, hàng xóm cạnh đó cũng bày tỏ: “Nhà nước chưa cấp đất sản xuất nên mình vẫn làm phần đất không bị thu hồi. Cũng có 3 sào thôi. Năm nay khô hạn quá, sắp Tết mà chưa biết trông vào đâu”.

Được biết, nhiều diện tích đất canh tác đền bù cho bà con không thể sản xuất được. Đất quá cằn cỗi trong khi trình độ canh tác của bà con còn nhiều hạn chế nên đã khó lại càng khó hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Thu, Chủ tịch xã Đắk Smar thừa nhận: “Tổng diện tích cấp cho bà con là mỗi hộ 3 sào (tổng cộng 30,6 ha). Phần đất này được bên tư vấn quy hoạch từ năm 2004 nhưng khi chia đất thì đều là đất dốc nên người dân không nhận”. Bản thân ông Thu cũng “không hiểu vì sao lại quy hoạch vào chỗ như thế”!?.

Không có đất sản xuất, bà con đành chấp nhận mưu sinh bằng những nghề khác, người lên rừng phát rẫy, người đánh bắt cá ở hồ đem đổi gạo… Vừa khuân mấy bao bắp vào nhà, anh Đinh Bích vừa trả lời chúng tôi: “Từ khi gia đình mình chuyển tới đây đến bây giờ vẫn chưa được cấp đất tái định canh. Chỉ có mấy sào đất rẫy bạc màu có từ trước, mình trồng bắp nhưng cũng chẳng thu được bao nhiêu. Mình vẫn ra thị trấn ngoài huyện làm bốc vác kiếm tiền mua gạo cho 4 miệng ăn trong nhà”.

Gần 100% số hộ dân ở K’rối thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Không có đất sản xuất cũng đồng nghĩa với việc người dân càng khốn khó hơn, đối với họ, cái đói lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.

Khu sản xuất… không có đường vào 

Theo số liệu của đơn vị tư vấn, tổng diện tích bị ảnh hưởng từ thủy điện của xã Đắk Smar là 284,6 ha, với 188 hộ. Đến nay chỉ có thôn 2, thôn 3 của xã nằm giữa lòng hồ đã được bố trí cơ sở vật chất, nhà cửa cho dân… khá cơ bản. Còn một số điểm tái định cư khác của xã Đắk Smar, xã Lơ Cu và thị trấn K’Bang vẫn gặp nhiều khó khăn do đất sản xuất nằm trên cốt ngập lòng hồ và không có đường đi vào khu sản xuất.

Với địa bàn xã Cửu An (thị xã An Khê) – nơi có khoảng 260 ha đất của người dân bị chia cắt do kênh dẫn nước của thủy điện, mặc dù đã có cầu sắt dẫn vào nhưng chiều rộng của cầu quá hẹp khiến việc vận chuyển hoa màu trong xã cũng rất khó khăn.

Riêng với xã Đắk Smar, tổng diện tích bị ngập trong lòng hồ chiếm hơn 400 ha, trong đó hơn 26 ha thuộc phía đông nam hồ Kanak, 50 ha thuộc tiểu khu 127, 124 ha ven suối Bài Thơ, và 208,67 ha ở suối Đắk K’mung. Địa phương này cũng còn thiếu một con đường dài khoảng 1,7 km để lấy lối vào khu sản xuất của làng Cam, nơi hiện đã trồng cao su có nguy cơ không đưa sản phẩm ra ngoài bán được. Ngay cả công trình nước sạch ở trung tâm xã, máy bơm cũng thường xuyên bị hỏng vì công suất nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu.

Về việc đường giao thông vào khu sản xuất bị nước lòng hồ dâng ngập, ông Nguyễn Ngọc Thu giãi bày: “Trước đây đường xuôi xuống nên người dân đi lại dễ dàng, giờ ngập nước, tức là đường nằm trong lòng hồ, không thể đi được. Bà con muốn vào nơi sản xuất phải đi vòng rất xa, rất bất tiện”.

Ông Nguyễn Văn Tặng, Phó trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 7 cũng thừa nhận vấn đề này và cho biết Ban 7 đang phối hợp với các chính quyền địa phương để giải quyết trong quý I năm 2013. Theo ông Tặng, Ban 7 đã khai hoang được 22 ha ruộng lúa nước 2 vụ, hiện đang tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành chia và bàn giao đất cho dân làng K’rối.

Tuy nhiên ông Lê Duy Tương, Phó chủ tịch xã Đắk Smar cho rằng, trong thiết kế khu 22 ha đất này không có đường nội đồng, muốn vào dân phải đi bộ rất xa, khả năng người dân không nhận đất là rất cao.

Liệu đến bao giờ thì những tồn tại này mới được giải quyết rốt ráo?