Hàng trăm người dân hứng chịu ô nhiễm từ bãi đá cảng Cửa Lò

ThienNhien.Net – Hàng trăm người dân khối 1 phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An đang phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm từ bãi tập kết đá của cảng Cửa Lò. Mặc dù cảng Cửa Lò đã có nhiều phương án giải quyết nhưng người dân vẫn phải hứng chịu ô nhiễm…

Bãi tập kết đá gây ô nhiểm bụi bẩn và tiếng ồn cho dân cư
Bãi tập kết đá gây ô nhiểm bụi bẩn và tiếng ồn cho dân cư

Ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi đá?

Cảng Cửa Lò có diện tích rộng hơn 16ha, đóng trên địa bàn Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Năm 2001, Cảng Cửa Lò tiến hành ký kết các hợp đồng vận chuyển đá xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp khai thác đá trong và ngoài tỉnh. Hàng tháng Cảng xuất nhập khẩu từ 40-60 nghìn tấn đá. Và cũng chính từ đây, nhiều vấn đề đã nảy sinh khiến người dân sống xung quanh tại bãi tập kết đá có nhiều bức xúc và phẫn nộ.

Theo phản ánh của người dân tại khối 1 phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), từ khi bãi tập kết đá được đưa vào sử dụng tại Cảng Cửa Lò, người dân luôn phải sống trong cảnh ô nhiễm do bụi đá và tiếng ồn trong lúc làm việc. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua là cả phường lại mịt mù trong bụi đá.

“Từ khi Cảng Cửa Lò làm bãi tập kết đá, người dân chúng tôi luôn phải chịu đựng bụi bẩn. Chỉ cần cơn gió nhẹ thổi qua là cả khu này hứng chịu bụi hết. Nhiều hôm đang ăn cơm, bụi bay đến dày đặc, trắng xóa không thể nào ăn được nữa. Người lớn đã không chịu được, đằng này trong phường lại có nhiều trẻ con làm sao chúng chịu nổi. Chúng tôi bức xúc lắm”, ông Mai Xuân Hùng, ở khối 1, phường Nghi Thủy bức xúc.

Hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào Cảng bốc đá mỗi ngày
Hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào Cảng bốc đá mỗi ngày

Cùng chung nỗi bức xúc đó, bà Loan (khối 1, Nghi Thủy) cho biết thêm: “Trong phường có rất nhiều trẻ em đã bị mắc bệnh về phổi cũng vì do bụi từ tập kết đá. Trong nhà tui có tới 4 người đã bị bệnh phổi rồi. Đã nhiều lần người dân chúng tôi bức xúc, kiến nghị lên chính quyền địa phương, lên lãnh đạo Cảng Cửa Lò để giải quyết vấn đề bụi bặm và ô nhiễm cho người dân nhưng đến nay tình trạng này tuy có giảm nhưng vẫn chưa triệt đệ. Chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể bụi đá bay trắng, bám đầy nhà, cây cối… Người dân chúng tôi yêu cầu phía Cảng Cửa Lò cần phải có những biện pháp lâu dài để bảo vệ sức khỏe cho người dân”.

Theo quan sát của chúng tôi, khu dân cư của khối 1 phường Nghi Thủy nằm sát ngay cạnh với bãi tập kết đá của Cảng Cửa Lò. Phía trong Cảng là một bãi tập kết đá “khổng lồ” với đầy đủ các loại đá chất thành từng đống cao như núi. Những khu vực đã vận chuyển đá đi nơi khác thì trên mặt đất còn để lại một lớp bụi dày, chỉ cần một cơn gió nhẹ hay một chiếc xe đi qua cũng đủ làm bụi bay mù mịt bao trùm khắp cả một khu vực dân cư. Mặc dù Cảng Cửa Lò đã cho những khối gỗ chắn hướng gió của khu dân cư nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt được hiệu quả.

Bãi đá tại cảng Cửa Lò dâng cao lên hàng mét và mỗi khi làm việc như xúc đá lên tàu, hay đổ đá từ ô tô xuống là bụi bẵm và gây tiếng ồn, ô nhiễm cho hàng trăm người dân...
Bãi đá tại cảng Cửa Lò dâng cao lên hàng mét và mỗi khi làm việc như xúc đá lên tàu, hay đổ đá từ ô tô xuống là bụi bẵm và gây tiếng ồn, ô nhiễm cho hàng trăm người dân…

Trước tình cảnh phải chịu đựng ô nhiễm vì bụi bẩn và tiếng ồn do bãi tập kết đá của Cảng gây ra, nhiều người dân tại khối 1 phường Nghi Thủy đã nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng và lãnh đạo Cảng nhưng những lần giải quyết đó vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tình thế tức thời.

Ngày 13/9/2012, vì quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm tại đây, hàng trăm người dân đã kéo nhau vào cảng để phản đối, không cho đơn vị tiếp tục làm việc vì gây quá nhiều ô nhiễm môi trường cho dân. Ngay sau đó, chính quyền địa phương cùng lãnh đạo Cảng đã tiến hành thỏa thuận với dân để tránh tình sự việc trở nên căng thẳng.

Ngày 14/9, sau khi sự việc người dân kéo lên Cảng phản đối bãi tập kết đá gây ô nhiễm, UBND phường Nghi Thủy đã tiến hành 1 buổi họp dân để có cuộc đối thoại và làm cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo Cảng và các hộ dân ở khối 1 phường Nghi Thủy.

Cần một giải pháp lâu dài và thiệt thực

Mặc dù lãnh đạo Cảng bước đầu đã tiến hành khắc phục tình trạng ô nhiễm trong lúc làm việc như tưới nước, dùng gỗ kê cao che chắn hàng rào cho dân, nhưng dường như đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, giải quyết tức thời. Người dân cần lãnh đạo Cảng có những giải pháp mang tính lâu dài và thiết thực hơn để đảm bảo môi trường trong sạch cho những người dân nơi đây.

Những lớp bụi trắng dày đặc vương vãi khắp nơi từ bãi tập kết đá
Những lớp bụi trắng dày đặc vương vãi khắp nơi từ bãi tập kết đá

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Giám Đốc Cảng Cửa Lò cũng thừa nhận sự việc người dân phản ánh ô nhiễm do bụi đá và tiếng ồn là có sự thật. “Người dân sống quá gần với bãi tập kết đá nên mỗi khi Cảng tiến hành đổ đá đã gây tiếng ồn và bụi bặm ảnh hưởng đến dân cư. Sau những phản ánh của người dân, phía Cảng cũng đã làm việc với chính quyền địa phương và người dân để tiến hành những biện pháp khắc phục tình trạng bụi bẩn, tiếng ồn. Cụ thể là Cảng đã tiến hành lấy gỗ che chắn, tưới nước mỗi lúc tập kết đá, đổ đá”.

Ông Dương Ngọc Xô, Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy (thị xã Cử Lò, Nghệ An) trao đổi về bãi tập kết đá. Và ông Nguyễn Xuân Trường (phải), Phó giám đốc Cảng Cửa Lò thừa nhận sự việc bãi tập kết đá của Cảng gây ô nhiễm bụi bẩn và tiếng ồn cho dân là sự thật
Ông Dương Ngọc Xô, Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy (thị xã Cử Lò, Nghệ An) trao đổi về bãi tập kết đá. Và ông Nguyễn Xuân Trường (phải), Phó giám đốc Cảng Cửa Lò thừa nhận sự việc bãi tập kết đá của Cảng gây ô nhiễm bụi bẩn và tiếng ồn cho dân là sự thật

Còn ông Dương Ngọc Xô – Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cũng bất bình cho biết: “Đúng là người dân phản ánh là có cơ sở, bản thân tôi cũng không thể chịu nổi nữa là những hộ dân sống gần bãi tập kết đá như vậy. Sau khi sự cố ngày 13/9/2012 vừa qua hàng trăm người dân kéo lên phản đối, ngay sau đó chúng tôi đã tiến hành họp dân và lãnh đạo Cảng để có những cam kết, thỏa hợp ổn định tình hình. Chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu Cảng phải giải quyết dứt điểm, và có những biện pháp lâu dài, tránh gây ô nhiễm, bất bình cho dân cư”.