Nhận rừng giàu, trả rừng nghèo

ThienNhien.Net – Sau 10 năm giao những cánh rừng giàu cho các doanh nghiệp (DN) quản lý và bảo vệ, hàng chục ngàn héc-ta rừng tự nhiên của tỉnh Đắk Nông đã bị tàn phá, lấn chiếm. Nhiều DN đang đề xuất trả lại rừng cho tỉnh vì không giữ nổi.

Khu rừng bị chặt phá tại dự án của Công ty Long Việt ở huyện Đắk Song. (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)
Khu rừng bị chặt phá tại dự án của Công ty Long Việt ở huyện Đắk Song. (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)

Giao rừng, nhận… đất

Công ty CP Chế biến lâm sản và xuất khẩu Thăng Long được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 516ha đất lâm nghiệp tại khoảnh 1, 2, 3, 4, 5, thuộc tiểu khu 1678 (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Do công ty sử dụng đất không đúng mục đích, đến tháng 7-2013, UBND tỉnh đã thu hồi diện tích nói trên để giao lại UBND huyện Đắk Song quản lý. Nhưng hiện diện tích này đang bị người dân tàn phá và xâm chiếm tràn lan. Nhiều vạt rừng bị “cạo trọc” từ nhiều năm trước, có chỗ vừa bị “xẻ thịt” từ 1 – 2 năm nay. Tại đây, tình trạng mua bán đất rừng diễn ra công khai. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, hiện nơi đây chỉ còn khoảng 20ha rừng mà thôi.

Tại dự án của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt ở huyện Đắk Song, rừng tự nhiên còn bị tàn phá nặng nề hơn. Công ty này được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000ha rừng và đất rừng (trong đó có 993ha rừng tự nhiên) trải dài trên 10 tiểu khu của huyện Đắk Song, nhưng hiện có 893ha rừng tự nhiên đã bị chặt phá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 145 tỷ đồng. Sau khi làm mất 86,3% diện tích, mới đây công ty đã gửi tờ trình xin trả lại rừng cho tỉnh. Không riêng gì công ty này, nhiều DN nhận rừng, đất rừng tại huyện Tuy Đức và Đắk G’long cũng đang muốn trả lại rừng cho tỉnh khi rừng chỉ còn… đất trống. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước về “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020” được tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Có rất nhiều DN đang xin trả lại rừng cho tỉnh vì họ quản lý không nổi, nhất là những dự án chuyển đổi rừng trồng cao su. Vì cao su rớt giá, các DN cũng không còn mặn mà nhận rừng để quản lý bảo vệ nữa. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng giao cho họ giờ chỉ còn là đất trống”.

Khó xử lý hình sự?

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 41 dự án sản xuất nông – lâm nghiệp trên đất rừng, với tổng diện tích cho thuê hơn 31.600ha, trong đó có 14.300ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi bảo vệ. Theo báo cáo rà soát mới đây của Sở NN-PTNT Đắk Nông, trong 41 dự án trên, chỉ có 10 dự án thực hiện tương đối tốt, nhưng cũng phải xem xét trách nhiệm để mất rừng. 22 dự án khác chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, để rừng bị tàn phá, lấn chiếm 28,8%. Riêng 9 dự án còn lại để mất rừng trên 90% và diện tích đất bị xâm canh trái phép trên 83%. Nhiều DN có biểu hiện mua bán đất rừng trái pháp luật. Sở đã đề xuất tỉnh thu hồi 9 dự án này và bắt các DN đền bù thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết: Trong số 14.300ha rừng tự nhiên giao cho các DN trên toàn tỉnh, có hơn 4.780ha rừng đã bị phá với tổng thiệt hại lên tới hơn 272 tỷ đồng. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các chủ dự án để xử lý, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. “Theo quy định, nếu các chủ dự án làm mất rừng hoặc phá rừng, chủ dự án sẽ bị xử lý hình sự. Còn nếu rừng của dự án bị người dân lấn chiếm, chặt phá, chủ dự án chỉ bị xem xét trách nhiệm và bồi thường thiệt hại rừng”, ông Bằng cho hay. Nhưng theo tiết lộ của ông Bằng, trong hai năm qua chưa có DN nào bị buộc bồi thường khi để mất rừng!

Còn ông Lê Văn Thiếu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, cho rằng: Hiện pháp luật chưa có đủ các chế tài xử phạt nặng răn đe các DN để mất rừng. Nếu chỉ xử lý hành chính các DN để rừng bị phá, chúng ta cũng khó ngăn chặn được việc mất rừng tại các dự án giao rừng. Trong khi đó, rất khó xử lý hình sự các DN phá rừng vì cơ quan chức năng khó bắt quả tang khi chủ rừng chủ động… phá rừng. Riêng việc bắt các DN bồi thường thiệt rừng cũng gặp khó khi họ trả lại dự án cho tỉnh. “Tại dự án của Công ty Thăng Long, cơ quan chức năng tỉnh cũng chưa tìm ra được ông giám đốc công ty này để bắt họ bồi thường. Ngay khi mới nhận dự án, ông này đã mang bệnh nặng nên giờ không biết ông ta còn sống hay không nữa”, ông Thiếu cho biết.