Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

Hồi giữa năm, Hội nghị giữa kỳ của Nhóm tư vấn cũng đã được tổ chức tại Quảng Trị (Ảnh: Báo Công an)

ThienNhien.Net – Sáng 10/12, tại Hà Nội, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là CG) 2012 chính thức khai mạc với sự tham gia của đại diện các đối tác, nhà tài trợ song phương và đa phương.

Với chủ đề “Đặt nền móng cho phát triển bền vững”, Hội nghị sẽ cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 và những ưu tiên thực hiện trong năm 2013,thảo luận về các nội dung như giáo dục và kỹ năng, sửa đổi chính sách đất đai, đối thoại chống tham nhũng và diễn đàn về hiệu quả viện trợ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng sẽ khuyến nghị chính phủ tiếp tục quan tâm đến sự ổn định vĩ mô, có biện pháp thỏa đáng, linh hoạt nhằm vận hành an toàn hệ thống ngân hàng cũng như các hoạt động tài chính-ngân hàng nói chung; quyết tâm xử lý nợ xấu kết hợp tái cơ cấu ngân hàng; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích việc đa dạng hóa đầu tư nhất là mô hình hợp tác công-tư.

Dự báo, năm 2013 vẫn sẽ là thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nên cần sự hỗ trợ hiệu quả và thiết thực từ cơ quan chức năng và đó cũng là một nguyên nhân để chính phủ tăng tốc cải cách hành chính, hướng tới sự minh bạch để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Oxfam phát biểu tham luận góp ý cho Luật Đất đai tại CG 2012

Tại hội nghị CG 2012, lãnh đạo Tổ chức Oxfam sẽ đại diện cho các tổ chức quốc tế phát biểu tham luận góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi)

Để vượt qua một loạt những thách thức liên quan đến quản lý đất đai, Oxfam cho rằng việc sửa đổi Luật đất đai (2003) cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm và lắng nghe nguyện vọng của người dân.

“Đối với người nghèo, những cộng đồng và nhóm người bị thiệt thòi, quyền sử dụng đất đai là một tài sản quan trọng, là nguồn lực đảm bảo an ninh lương thực và kế sinh nhai. Đối với nhiều người, đặc bịêt là các cộng đồng dân tộc thiểu số, đất và rừng còn là một phần của văn hóa và bản sắc dân tộc. Thu hồi đất nông nghiệp mà không qua một quy trình minh bạch, không đền bù một cách tương xứng và không có cơ hội lựa chọn kế sinh nhai thay thế sẽ đẩy người nông dân quay lại nghèo đói, thậm chí là lâm vào cảnh cùng cực. Chính người nghèo và những nhóm cộng đồng yếu thế phải đối mặt nhiều nhất và bị ảnh hưởng lớn nhất bởi những thiếu sót trong chính sách đất đai, nạn tham nhũng và lạm dụng”, bà Lê Kim Dung – Đại diện Oxfam cho biết.

Cũng theo Oxfam, tranh chấp đất đai giữa các cộng đồng địa phương và nông – lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng phòng hộ đang ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Do đó, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình và công khai kết quả đánh giá thực trạng sử dụng đất, năng suất, khả năng tạo việc làm, trách nhiệm, chức năng xã hội và việc chia sẻ lợi ích của các nông – lâm trường và ban quản lý rừng phòng hộ. Ở những nơi mà các đơn vị này quản lý đất nông nghiệp kém hiệu quả, nhà nước cần giao lại đất cho nông dân và cộng đồng, đặc biệt là cho các hộ ít đất hoặc không có đất và đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm mục tiêu giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

“Các cộng đồng dân tộc thiểu số đã chứng minh họ là những người bảo vệ đất và rừng rất tốt. Đối với họ, các luật tục quản lý đất rừng là đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với kế sinh nhai, mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với giá trị tâm linh và tín ngưỡng. Luật sửa đổi cần công nhận những luật tục quản lý đât và quyền sử dụng đất chung của đồng bào các dân tộc thiểu số” – bà Dung cho biết.

Hiện Oxfam đang hợp tác cùng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ một loạt các hoạt động tham vấn cộng đồng tại 5 tỉnh về Dự thảo sửa đổi Luật đất đai.

(Theo Thông cáo báo chí Oxfam)