Không chỉ suối “khóc”…

ThienNhien.Net – Không phải địa phương nào, các nhà máy nước cũng khai thác nguồn nước ngầm để xử lý cung cấp nước sạch cho sinh hoạt như Hà Nội hiện nay. Nhiều nơi sử dụng nguồn cấp từ nước mặt sông, suối. Một khi sông suối liên tục ô nhiễm, không chỉ có một vạn người dân mất nước sạch như chuyện ở TP. Sơn La mới đây, mà hàng chục triệu người dân vùng xuôi cũng cùng chung bi kịch…

Nước nguồn bẩn làm đảo lộn sinh hoạt

Xí nghiệp cấp nước số 1, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) vừa phải ngừng hoạt động khiến hơn 10.000 hộ dân thuộc 4 phường của thành phố này mất nước trong 3 ngày liền. Tới sáng 3/12, nước sạch mới được cung cấp trở lại. Nguyên nhân do nguồn cấp nước bị ô nhiễm khiến Xí nghiệp cấp nước số 1, TP.Sơn La phải ngừng hoạt động.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Ông Phan Thanh Hòa – Giám đốc Xí nghiệp cấp nước số 1 cho biết: Nguồn cấp nước cho TP.Sơn La bắt đầu từ huyện Thuận Châu rồi dẫn vào hang Tát Tòng, thuộc địa phận Bản Bó, phường Chiềng An. Nước từ hang sẽ chảy theo đường ống về nhà máy để xử lý rồi phân cấp cho người dân.

Sáng 1/12, phát hiện nguồn cấp nước cho nhà máy có mùi hôi thối, đổi màu khác lạ, Xí nghiệp cấp nước số 1, TP.Sơn La đã kiểm tra và phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước là do hai doanh nghiệp chế biến cà phê nằm ở xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu và xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La trực tiếp xả thải không qua xử lý ra suối. Nước xả không qua xử lý đó ngấm, chảy trực tiếp vào nguồn nước đầu nguồn buộc Xí nghiệp phải đóng nguồn nước cấp cho các trường học, bệnh viện và 10.000 hộ dân trên địa bàn để đảm bảo an toàn. Sau khi xử lý, ngăn chặn vi phạm mới có thể cấp nước lại cho nhân dân. Ngay trong sáng 2/12, nhiều gia đình phải đi mua bình nước lọc để dùng tạm. Trên phố xuất hiện các xe chở nước đi bán – một trường hợp chưa từng có ở thành phố này. Một số trường học bán trú bị cắt nước đành thông báo phụ huynh đón con về ăn trưa, vì thiếu nước nấu ăn.

Một thành phố ở đầu nguồn các con sông, dòng suối mà có thể “náo loạn” dù chỉ mấy ngày, vì suối “khóc” – đầu nguồn nước nhiễm bẩn, thì dân tình ở cuối nguồn hứng ô nhiễm nước mặt còn đáng “khóc” bội phần. Nhất là khi nguồn nước ngầm ở thành phố khai thác cạn kiệt sẽ phải tìm nguồn nước mới, nước mặt bổ sung. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, nếu không kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây ô nhiễm các hệ thống sông suối, cuộc sống của hàng chục triệu người dân sống ở vùng phụ cận sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Báo động suối đến sông

Mỗi năm lượng nước cấp cho sinh hoạt tại Hà Nội tăng lên 163.000 m3/ ngày đêm. Để có được nguồn nước khổng lồ phục vụ cho khoảng hơn 6 triệu dân, Hà Nội hiện có trên 20 nhà máy và 15 trạm sản xuất nước, chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm từ trên 280 giếng, trong đó khu vực phía Bắc sông Hồng có 24 giếng, khu vực phía Nam sông Hồng có 227 giếng, khu vực Hà Đông, Sơn Tây, Xuân Mai trên 20 giếng. Công suất toàn bộ hạ tầng cấp nước hiện chỉ đạt từ 730.000 đến 830.000 m3/ngày đêm. Nhiều hộ ở thành phố nhất là các thị xã, thị trấn, thị tứ vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Nhu cầu sử dụng nước năm 2020 lên tới 1,2 triệu – 16,6 triệu m3/ngày đêm là thách thức rất lớn. Dù Hà Nội mới đây phát hiện được nguồn nước ngầm quý có thể khai thác giá rẻ, vẫn rất cần quy hoạch chặt chẽ nguồn nước cấp để sản xuất nước sinh hoạt. Nguồn nước cấp cho người dân Thủ đô hiện chủ yếu vẫn là nước ngầm, chỉ một phần nhỏ là nước mặt từ Nhà máy Nước mặt sông Đà (130.000m3/ngày đêm). Hướng tiếp tục tìm nguồn nước mới bổ sung cho nguồn nước ngầm là không thể chậm trễ. Trong đó, tiếp tục khai thác nguồn nước từ sông Đà, sông Hồng vẫn là mục tiêu được nghiên cứu.

Từ tháng 6/2008, khi Nhà máy nước Sông Đà (Vinaconex) bắt đầu vận hành sử dụng, nguồn nước Sông Đà đã mở ra hướng sử dụng nước mặt để cung cấp nước cho các đô thị trên địa bàn Hà Nội. Nhưng nguồn nước mặt trên địa bàn Hà Nội bị hạn chế do chênh lệch lưu lượng giữa các tháng trong năm khá lớn, chưa kể biến động chất lượng vì tiếp nhận nước thải từ các nguồn trong nội thị…

Cảnh sát môi trường cho biết, gần 70% khu công nghiệp, khu chế xuất cả nước không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại cũng chỉ theo kiểu “gọi là có”. Nguồn ô nhiễm này đang ngày đêm hủy hoại môi trường, nhất là môi trường nước trên các hệ thống sông ngòi.