Con Cuông: Hệ sinh thái rừng quốc gia kêu cứu

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Pù Mát là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất nước ta với hàng ngàn loài động thực vật, riêng động vật có khoảng 1000 loài. Mặc dù nơi đây đã thiết lập “vành đai đỏ” từ lâu, công tác bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt,… nhưng tiếc thay nạn săn bắt, tận diệt thú rừng vẫn ngấm ngầm diễn ra khiến hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng, đẩy các loài động vật đến nguy cơ… tuyệt chủng!

Tại huyện Con Cuông, khỉ bị người dân săn bắt nhiều vô tội vạ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Theo chân một người bản địa ở thị trấn Con Cuông (Nghệ An) chúng tôi trong vai “chủ nhà hàng nhậu” đi vào bản tìm mua thú rừng. Không có gì phải giấu giếm, người này (thực chất là cò mồi) cho hay, tại Con Cuông, nếu muốn tìm thú rừng làm món nhậu thì cứ vào các xã lân cận khu vực rừng quốc gia Pù Mát là có ngay. Loài nào cũng có, từ lợn rừng, chồn, nhím, mèo rừng, nai… nhưng nhiều nhất vẫn là khỉ, mua bao nhiêu cũng có, giá cả rất dễ chịu. Người dẫn đường đưa chúng tôi vào xã Yên Khê, là xã giáp ranh với rừng Pù Mát, cũng là địa chỉ dễ tìm “hàng” nhất ở địa bàn huyện Con Cuông.

Tại thôn Trung Chính, xã Yên Khê, hỏi thăm sơ sơ mà người dân ở đây đã chỉ cho chúng tôi gần chục nhà có khỉ sống bán. Họ “nói đón” trước là con nào cũng bị “thương tật”, không mất chân thì mất tay, hoặc các vị trí khác trên cơ thể vì dính bẫy. Chỉ có một số ít khỉ con bị bắt sống là lành lặn được bán với giá cao hơn, trung bình 1 triệu đồng 1 con trên dưới 3kg. Dạo quanh một vòng mà chưa ưng ý được con nào, chúng tôi được dẫn đến nhà một người tên Cường. Tại nhà Cường có hai con khỉ mới săn được vài tháng, vết thương cũng đã lành. Vì bị thương nên giá hai chú khỉ cũng mềm, chỉ có 1,5 triệu đồng.

Cũng tại xã Yên Khê, nhiều người sống bằng nghề săn, bẫy thú rừng, thậm chí làm “đại lý” mua gom thú rừng. Thịt thú rừng ở đây khá rẻ, lợn rừng có giá từ 250 – 300 ngàn đồng/kg; chồn, vượn, khỉ, nhím giao động 300 – 350.000 ngàn đồng/kg. Mỗi chuyến đi săn, bẫy người ta bắt được khá nhiều thú rừng, có khi lên đến hàng tạ. Việc săn bắt không phân biệt lớn bé, cứ sập bẫy là giết bán thịt. Những con thú may mắn còn sống thì bị cụt chân, mất tay, nhưng ai cũng biết số phận của chúng khi đã rơi vào tay thợ săn rồi thì chỉ còn chờ ngày lên thớt mà thôi. Những chuyến đi săn có khi thu được cả chục triệu đồng nên hầu như ngày nào cũng có cả chục tốp thợ săn với các loại bẫy, súng để săn bắn thú vào rừng.

Một thiện xạ ở xã Yên Khê (huyện Con Cuông) tiết lộ, các loài thú thường hay bẫy được ở rừng Pù Mát chủ yếu chồn hương, lợn rừng, nhím, mang, mèo rừng… Mỗi tốp thợ săn mỗi lần vào rừng săn thú thường đi từ 3 đến 5 người, trang bị đầy đủ từ súng săn, đèn pin đặc chủng, đến chó săn được huấn luyện và hàng trăm chiếc bẫy – thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến đi săn. Bẫy thường được đặt ở những địa điểm gần nguồn nước, nơi thú rừng hay kiếm ăn. Các loại bẫy thường được dùng như bẫy bộng, cò ke và đặc biệt là bẫy kẹp (có nơi gọi là cạm) rất nguy hiểm, các loài thú lớn nếu dính bẫy này cũng chỉ còn cách chờ chết. Mỗi lần đi săn về là nhập cho các đầu nậu từ dưới xuôi lên gom hàng, hoặc nhập cho một số nhà hàng ở trung tâm thị trấn Con Cuông, bao nhiêu cũng mua hết.

Không riêng gì xã Yên Khê, mà tại xã biên giới Chi Khê, huyện Con Cuông (hầu hết là người dân tộc thiểu số sinh sống), bà con có thói quen bẫy thú rừng từ lâu. Có nhiều gia đình đã quá quen thuộc với thịt thú rừng, ăn thịt thú rừng hàng ngày.

Vườn quốc gia Pù Mát, một khu dự trữ sinh quyển hàng đầu Việt Nam, tưởng chừng như là nơi trú ngụ, sinh sống an toàn cho nhiều loài động vật quý hiếm, thế nhưng có vào tận nơi, tận mắt chứng kiến cảnh thú rừng bị thảm sát thì mới thấy hết sự nghiêm trọng của tình trạng săn bắt kiểu tận diệt. Việc thủ ác với tự nhiên, thái độ vô cảm trước “tiếng khóc” của rừng trong một bộ phận người dân tại nơi đây sẽ phải trả giá đắt! Còn trách nhiệm của các cấp chính quyền, quản lý vườn quốc gia, sẽ phải tính sao đây?