Nuôi động vật hoang dã đang đi vào quy chuẩn

Theo kết quả điều tra mới đây của Tổ chức Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES) tại Việt Nam, hiện đã có nhiều cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về nuôi động vật hoang dã quí hiếm.

Khoảng 4.000 cơ sở nuôi động vật hoang dã trên cả nước được CITES cấp phép đều có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là của tư nhân. Trong tổng số gần 2 triệu cá thể được nuôi tại các cơ sở này, có 7 loài thuộc lớp ếch nhái, 40 loài bò sát, 3 loài chim và 58 loài thú; trong đó có 58 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Những loài thú được nuôi chủ yếu bao gồm hươu sao, lợn rừng, hổ, khỉ đuôi dài, nai. Những địa phương có nhiều cơ sở chăn nuôi lớn là Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và một số tỉnh Tây Nguyên.

CITES cũng nhận xét rằng thực tế cho thấy việc nhân nuôi nai, hươu sao ở Tây Nguyên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng.

Về phía Việt Nam, theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), những quy định pháp luật hiện hành thể hiện chủ trương của nhà nước là tạo điều kiện và bảo hộ cho mọi thành phần kinh tế bảo tồn, gây nuôi, phát triển động vật hoang dã có nguồn gốc. Điều này được thể hiện trong một số văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Chỉ thị số 359 ban hành năm 1996 quy định “khuyến khích các tổ chức cá nhân gây nuôi động vật hoang dã bao gồm các loài quí hiếm trong khuôn khổ pháp luật để có sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu”.

Cục trưởng Hà Công Tuấn cho biết, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, phân loại để quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trong kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã đến năm 2020, Chính phủ cũng đề cập tới việc nuôi thử nghiệm một số loài để đề xuất mô hình phát triển gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo một số loài động thực vật hoang dã.

Theo dòng sự kiện, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) cho biết, sau 6 tháng di trú, đàn sếu đã trở lại vườn với số lượng khoảng 126 con, cao hơn năm 2000 gần 100 con. Trong số đó có 24 con non.

Hàng năm, vào tháng 3 và 4, Hội Sếu quốc tế (ICF) tổ chức thống kê sếu tại các nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng tại Việt Nam, số lượng sếu được thống kê tại hai tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang. Tại Đồng Tháp, quần thể sếu phân bố tập trung ở Vườn quốc gia Tràm Chim.

Trong thời gian này, Vườn quốc gia Tràm Chim đã chụp được những tấm ảnh sếu đầu đàn còn đeo vòng và gắn máy định vị từ năm 1998. Mục đích của việc đeo vòng và máy định vị cho chim sếu nhằm xác định đường bay, địa điểm di chuyển, thời gian và quá trình sinh sống của sếu.

Sau 10 năm nghiên cứu cho thấy sếu đầu đỏ đã thích nghi và phát triển tốt ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Điều này chứng tỏ hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim đang có chiều hướng phục hồi tốt.