Thủy lợi công không hiệu quả, nông dân tự tìm giải pháp

ThienNhien.Net – Đã từ lâu, các chính phủ và các tổ chức tài trợ luôn cho rằng các công trình thủy lợi tập trung, xây dựng trên sông lớn mới là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng thiếu nước nghiêm trọng để cấp nước cho người dân ở các khu vực khô nóng, nơi chỉ có mưa theo mùa và lượng mưa không ổn định. Tuy nhiên, tình hình thực tế ở nhiều nước đang phát triển hiện nay cho thấy giải pháp có thể lại nằm ở các dự án quy mô nhỏ như sử dụng máy bơm nước giá rẻ và các biện pháp sẵn có khác.

Theo các nhà khoa học hàng đầu về nước, nông dân nghèo đang chủ động giải quyết nhu cầu về nước của họ bằng các biện pháp đơn giản, rẻ tiền lại sẵn có, phản ánh rằng các biện pháp vĩ mô như các dự án tưới tiêu cấp quốc gia, các con kênh khổng lồ và các biện pháp quản lý kém hiệu quả không giúp ích gì cho nhu cầu bức thiết về nước. Điều này đã làm thay đổi cái nhìn quen thuộc của thế giới về hình ảnh nông dân nghèo hoặc là nạn nhân đáng thương của thiên tai, hoặc vô cùng hân hoan khi được nhận trợ cấp.

Báo cáo năm 2000 của Ủy Hội Đập Thế giới (WCD) thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, có tới 25% số diện tích cây trồng có đập tưới tiêu thiếu tới 35% lượng nước cần thiết, tràn đập thường xuyên và còn gặp tình trạng ngập hoặc nhiễm mặn. Vì thế, không hề ngạc nhiên là nông dân phải tự tìm lối thoát cho mình. Ở Nigeria, nhiều đập do nhà nước xây bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy còn nông dân cách đó không xa thì tự đi lắp bơm nước ven sông để tưới cây, ở Ấn Độ, nhiều nông dân đang quay lại với phương pháp truyền thống: đào hồ trữ nước để dùng cho mùa khô…

Nông dân Nigeria sử dụng bơm công suất nhỏ (IWMI)

Meredith Giordano, trưởng nhóm nghiên cứu Water for Wealth and Food Security – “Nước phục vụ cho Kinh tế và An ninh Lương thực” được thực hiện ở Sri Lanka cho biết “Những máy bơm nước giá rẻ và biện pháp cung cấp năng lượng mới đã thay đổi nghề nông và tăng thu nhập cho nông dân khắp châu Phi và châu Á.” – điều đó đã trở thành nguồn lực mới cho phát triển kinh tế, giảm đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực. Nghiên cứu tập trung vào nguyên nhân vì sao các hộ nông dân nhỏ quay lưng lại với giải pháp thủy lợi của chính phủ mà đi tìm cách giải quyết cho riêng mình.

Kết quả nghiên cứu khiến bà và cộng sự rất ấn tượng với hiệu quả của biện pháp mà những người nông dân đã lựa chọn. Hiện có khoảng 20 triệu chiếc bơm được sử dụng, đem lại lợi ích cho hơn 200 triệu người ở châu Phi vì các biện pháp mà họ áp dụng cùng với thiết bị đơn giản đó cho phép trồng hoa màu trong cả những tháng khô hạn. Đáng chú ý, các dự án thủy lợi quy mô nhỏ ở Ghana chiếm diện tích nhiều gấp 25 lần (khoảng 185.000 hecta) các dự án lớn của nhà nước.

Theo báo cáo, các mô hình thủy lợi cải tiến do nông dân thực hiện này sẽ còn đem lại sản lượng lương thực nhiều gấp 3 ở vài nơi và tăng thu nhập cho nông dân khắp Châu Âu và Nam Á thêm hàng chục tỷ đô la. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các khu vực có tỷ lệ dân nghèo và người dân nông thôn không được đảm bảo về an ninh lương thực.

Charlotte de Fraiture, cán bộ Viện Giáo dục về Nước thuộc UNESCO có trụ sở tại Delft, Hà Lan đồng ý rằng hiện đang có một cuộc cải tiến về thủy học. Trước đây, chỉ có nông dân giàu mới có thể mua bơm nước nhưng nay, giá mỗi chiếc bơm xuất xứ từ Trung Quốc chỉ có 200 USD, vì vậy nhiều người có thể tự mua bơm nước cho gia đình mình. Ngoài ra, người dân cũng có thể thuê bơm với giá khoảng 1 USD mỗi giờ, như trường hợp ở Ấn Độ.

Trước đây, nông dân Ấn Độ sử dụng bơm bằng sức người nhưng rồi dần chuyển sang sử dụng xăng/dầu. Đáng chú ý, khi nói tới năng lượng phục vụ việc sử dụng bơm nước, người ta thường nghĩ đến điện hoặc dầu diesel. Nhưng ở Ấn Độ, nhiều người dùng phân gia súc để sản xuất năng lượng sinh học chạy máy bơm và tiết kiệm tới 400 USD mỗi năm. Đây quả là một biện pháp rất thực dụng.

Bên cạnh cơ giới hóa quá trình tưới tiêu, nông dân còn tiết kiệm nước bằng cách sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt – dẫn ống nước và nhỏ giọt vào khu vực rễ cây.

Tuy những nỗ lực tự giải quyết vấn đề của nông dân là rất đáng khen ngợi, vẫn còn vấn đề cần xem xét đó là nguy cơ tổn hại đến nguồn nước ngầm – điều gì sẽ xảy ra nếu lượng mưa hàng năm không bù nổi lượng nước ngầm mà nông dân khai thác. Điều này đã xảy ra ở Gujarat – Ấn Độ 7 năm trước – khi mà những chiếc bơm hoạt động 24/24 giờ, khai thác được nhiều nước ngầm và góp phần tăng sản lượng thu hoạch cho nông dân lên 2 lần thì lượng nước ngầm đã giảm nghiêm trọng.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều nhà khoa học đồng quan điểm rằng cần khuyến khích nông dân sử dụng cả nước mặt và nước ngầm, ví dụ như xây hồ chứa nước. Ở Madhya Pradesh, nông dân tăng thu nhập thêm 70% nhờ xây hồ chứa trong trang trại.