Ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ rừng Ngọc Sơn – Ngổ Luông

ThienNhien.Net – Ngày 28/09/2012 tại hội trường UBND xã Gia Mô, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Hòa Bình). Tham gia sự kiện này có đại diện UBND, kiểm lâm và các ban ngành liên quan của hai huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Ban quản lý KBT TN Ngọc Sơn – Ngổ Luông và 15 xã địa bàn.

Hàng trăm xe máy chở gỗ lậu bị thu giữ tại trụ sở Ban quản lý KBT thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông

Theo lãnh đạo KBT TN Ngọc Sơn – Ngổ Luông thời gian qua tình trạng vi phạm lâm luật còn xảy ra thường xuyên trên địa bàn và khó được kiểm soát, việc sử dụng cưa xăng diễn ra mạnh mẽ, các trường hợp chống đối người thi hành công vụ vẫn xảy ra với các mánh khóe tinh vi, nạn săn bắt động vật hoang dã gia tăng…Lý giải về những khó khăn đối với công tác quản lý, lãnh đạo KBT cho biết  do địa bàn rộng, dân số đông lại sinh sống xen kẽ trong KBT. Hiện nay, công tác giải quyết nhu cầu về sản xuất, khai thác gỗ làm nhà ở và đồ gia dụng cho người dân gặp nhiều vướng mắc.

Ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, chia sẻ: “Nhiều năm qua sự phối hợp quản lý bảo vệ rừng của xã phối hợp với các ngành có nhiều cố gắng, tuy nhiên, tình trạng lén lút vi phạm lâm luật vẫn xảy ra, mặc dù có xử lý nhưng chưa triệt để. Trước đây, tình hình phát triển cưa xăng chưa nhiều nhưng hiện nay đã gia tăng.” Ông cũng cho biết lâm tặc câu kết nhau theo dõi động thái và di chuyển của cán bộ, liên lạc với nhau bằng điện thoại di động nên việc bắt và xử lý vi phạm rất khó.

Lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của đại diện hai huyện Tân Lac, Lạc Sơn (Hòa Bình)

Cùng quan điểm với ông Dương về “nạn” bùng phát cưa xăng, đại diện các xã  đề nghị tất cả các cưa xăng phải được đăng ký, hoặc sẽ bị thu hồi, cần tăng cường lực lượng phụ trách địa bàn và lực lượng này phải dành nhiều thời gian bám ở các xã chứ như hiện nay rất ít và khi phát hiện vi phạm không trở tay kịp. Đồng thời, cần làm rõ chức năng cụ thể của các đơn vị, làm rõ chủ đất rừng, làm rõ quy chế sử dụng kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng.v.v.

Sau thảo luận và chia sẻ ý kiến sôi nổi, đại diện các đơn vị đã cùng ký một bản quy chế chung trước sự chứng kiến của lãnh đạo 2 huyện Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình). Đây là bản Quy chế phối hợp giữa các đơn vị từ cấp xã, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ban ngành tăng cường phối hợp và tham gia quản lý bảo vệ rừng. Theo chỉ đạo từ huyện, nhiệm vụ bảo vệ rừng sẽ được lồng ghép vào kế hoạch công tác thường xuyên của cấp ủy chính quyền các xã. Các xã cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với KBT và thông tin kịp thời về các vụ vi phạm.