Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

ThienNhien.Net – Có người đã áp câu nói dân gian này với nghịch lý đầu tư cho các khu bảo tồn ở ta nay vẫn còn tồn tại. Không ít nơi được lập ra mà sau cả chục năm thậm chí đến ban quản lý cũng chưa ra đời, chưa nói gì đến cơ sở vật chất hay thành quả bảo vệ, bảo tồn. Song ngược lại, cũng có những vườn quốc gia, khu bảo tồn nhận được ồ ạt các dự án đầu tư trong ngoài nước. Ấy vậy mà họ cũng mang nặng nỗi lo, là nỗi lo giải ngân không xuể.

Không dám chắc liệu có thể vo tròn VQG Tam Đảo mà xếp vào thái cực dương trong hai vế so sánh nêu trên hay không, nhưng qua hình ảnh lãnh đạo Vườn tay trái tha thiết đệ công văn xin phê duyệt thành lập “Trung tâm cứu hộ và bảo tồn” trong khi tay phải phủi quầy quậy một “Trung tâm cứu hộ” khác đang bắt đầu nên hình hài vô tình khiến người ta nghĩ rằng dường như vườn quốc gia trực thuộc Bộ NN&PTNT (*) này có quá nhiều cơ hội và lựa chọn.

Theo nội dung Tờ trình số 88/VTĐ-TTr đề ngày 17/7/2012 do giám đốc VQG Tam Đảo ký, Vườn đề nghị Bộ NN&PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp xem xét và phê duyệt Đề án “Thành lập Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Tam Đảo”. Đề án giương cao mục tiêu cứu hộ, bảo tồn và phát triển những loài đặc hữu quý hiếm nguy cấp ở Vườn quốc gia Tam Đảo, với dự trù ngân sách hơn 45 tỉ đồng.

Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo (Ảnh: ThienNhien.Net)

Có thêm đầu tư cho bảo tồn, âu đó là điều quý cho VQG Tam Đảo, một trung tâm đa dạng sinh học thuộc tốp đầu ở miền Bắc song phải chịu sức ép cực kỳ lớn của phát triển du lịch và các ý đồ đầu tư kinh doanh giải trí cao cấp.

Song, với sự ngổn ngang và lỡ dở của dự án phát triển Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo lâu nay, cần phải đặt một câu hỏi trực diện rằng nếu “đẻ” tiếp một dự án cứu hộ và bảo tồn nữa, những người lãnh đạo Vườn có tâm huyết và đủ năng lực để vun vén, xây đắp dự án cho tới cùng hay không?

Trung tuần tháng 7/2012, khi số phận dự án Trung tâm cứu hộ gấu còn chưa được định đoạt, khi mà hàng loạt quyết định và can thiệp của lãnh đạo VQG Tam Đảo đối với Trung tâm cứu hộ này gây bức xúc còn chưa được giải trình, cũng vị lãnh đạo ấy đã cấp tập ký đóng dấu gửi Tờ Trình lên Bộ NN&PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp xin phê duyệt đề án thành lập thêm một Trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Vị trí của Trung tâm mới này không đâu khác, nằm ngay trong lũng Chắt Dậu, sát với Trung tâm cứu hộ Gấu đang xây dang dở.

Trong đề án thành lập Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Tam Đảo, lãnh đạo Vườn tha thiết kiến nghị “rất mong được sự quan tâm giúp đỡ về kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học” vì “công tác cứu hộ, bảo tồn, gây nuôi và phát triển động vật hoang dã bước đầu gặp nhiều khó khăn, rủi ro do chưa có kinh nghiệm.” Những điều “rất mong” ấy không đâu xa, nếu biết tận dụng họ đã có thể khai thác từ chính cơ hội mà họ từng có với dự án Trung gấu cứu hộ gấu.

Đề xuất nối tiếp đề xuất. Không biết rằng nay mai người ta có duyệt cho Tam Đảo đề án mới này không, khi mà số phận Trung tâm cứu hộ Gấu đã được định đoạt. Nó sẽ bị bứng đi một nơi nào đó khác với lý do bất khả kháng.

(*) Theo tinh thần Nghị định 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 12 năm 2010, hệ thống rừng đặc dụng tại địa phương do UBND tỉnh trực tiếp quản lý hoặc phân cấp quản lý. Sáu vườn quốc gia nằm trên địa bàn nhiều tỉnh do Bộ NN&PTNT trực tiếp quản lý gồm: Bạch Mã, Ba Vì, Cát Tiên, Cúc Phương, Tam Đảo, Yok Đôn.