Hà Giang đề 7 giải pháp hiện đại hóa công nghệ khai khoáng

ThienNhien.Net – Nhằm tăng cường quản lý hiệu quả việc khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Giang quyết định phê duyệt phương án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Tàu khai thác khoáng sản trên sông Gâm (Ảnh: ThienNhien.Net)

Việc đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành khai khoáng tập trung vào 2 lĩnh vực chủ yếu: công nghệ khai thác khoáng sản và công nghệ chế biến khoáng sản.

Phương án đổi mới đặt mục tiêu đến năm 2015 đạt trình đô cơ giới hóa các công đoạn sản xuất; công nghệ thông tin được áp dụng phổ biến trong quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị tài nguyên ở những mỏ lớn.

Đối với các mỏ vừa và nhỏ, phấn đấu áp dụng rộng rãi cơ giới hóa ở mức độ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng mỏ, giảm tối đa lao động thủ công, chú trọng công tác bảo vê môi trường, khai thác và sử dụng triệt để tài nguyên.

Trong công nghệ khai thác hầm lò, phấn đấu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở các mỏ có điều kiện thuận lợi và cơ giới hóa ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép ở những mỏ có điều kiện không thuận lợi. Chấm dứt khai thác thủ công, không đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, lãng phí tài nguyên và hủy hoại môi trường.

Trong công nghệ tuyển khoáng, áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới ở các nhà máy tuyển lớn; cơ giới hóa ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép, tiến tới xóa bỏ lao động thủ công ở các xưởng tuyển quy mô vừa và nhỏ…

Về nội dung đổi mới, Phương án thực hiện đổi mới toàn bộ quy trình và công nghệ khai khoáng, gồm: khai thác lộ thiên (khai thác quặng sa khoáng, khâu khoan – nổ mìn – làm tơi đất đá; công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả nổ mìn; công tác bốc xúc, vận tải; công tác khai đào, ổn định bờ mỏ…); khai thác hầm lò; công nghệ sàng, tuyển.

Đặc biệt, Phương án đưa ra 7 nhóm giải pháp đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành khai khoáng, gồm: nhóm giải pháp về đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến; giải pháp phát triển khoa học công nghệ; giải pháp cơ chế chính sách; giải pháp vốn; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về thị trường; và giải pháp về quản lý.

Trong đó, xác định các giải pháp tạo đột phá là giải pháp về đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến; giải pháp phát triển khoa học công nghệ; và giải pháp phát triển nguồn nhân lực.