Đẩy lùi khai thác gỗ trái phép thông qua Sáng kiến FLEGT và REDD+

ThienNhien.Net – Bất chấp các chính sách cứng rắn về bảo vệ rừng, nạn khai thác gỗ trái phép vẫn có dấu hiệu lan rộng tại Việt Nam, với số vụ vi phạm lâm luật gần đây có biểu hiện gia tăng, đặc biệt một số vụ rất nghiêm trọng, từ đó gây bức xúc trong dư luận.

Trong một ấn phẩm mới đây của mình mang tựa đề Làm thế nào để FLEGT và REDD+ có thể giải quyết vấn đề khai thác gỗ lậu: nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam, TS. Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends và TS. Wolfram Dressler, Khoa Nhân học Xã hội, Trường Đại học Queensland (Úc) đã đề xuất giải pháp kết hợp hai Sáng kiến hiện đang được một số nước trên thế giới áp dụng: Sáng kiến FLEGT (Kế hoạch hành động thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản) và Sáng kiến REDD+ (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp bảo tồn, quản lý rừng bền vững, tăng dự trữ các-bon).

Bên cạnh việc đưa ra những khái niệm dễ tiếp cận về hai Sáng kiến FLEGT và REDD+, nhóm tác giả còn điểm sơ lược thực trạng khai thác gỗ trái phép tại Việt Nam hiện nay, trong đó đào sâu vào câu chuyện một cộng đồng người tại Hòa Bình vào rừng khai thác gỗ nhằm tạo sinh kế mặc dù hoạt động này được coi là bất hợp pháp. Địa bàn tiêu thụ gỗ là một xã thuộc Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Hoạt động khai thác, vận chuyển và thương mại gỗ đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn tài nguyên rừng. Để giải quyết điều này, các tác giả đề xuất phương án kết hợp hai Sáng kiến FLEGT và REDD+ mà Việt Nam hiện đang áp dụng.

Ngăn chặn khai thác gỗ trái phép để bảo vệ rừng (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Cụ thể, báo cáo nêu rõ FLEGT sẽ chịu trách nhiệm “gỡ rối” những vụ việc liên quan tới nguồn gốc lâm sản, còn REDD+ đóng vai trò quan trọng trong việc truy ra và triệt tận gốc các yếu tố dẫn đến mất rừng, như trường hợp Việt Nam, một trong những yếu tố điển hình gây mất rừng chính là vấn nạn khai thác gỗ trái phép.

Cả FLEGT và REDD+ đều có khả năng thúc đẩy và củng cố hoạt động quản trị rừng, đẩy mạnh thực thi lâm luật tại cấp địa phương. Và hiện phân quyền quản lý rừng cho chính quyền địa phương kết hợp với trao quyền sử dụng rừng cho các hộ gia đình đang được kỳ vọng là một biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề quản trị rừng yếu kém.

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh rằng nếu Sáng kiến FLEGT và REDD+ được triển khai hiệu quả sẽ tạo được cơ hội cho sự tham gia của tất cả các bên vào công tác quản lý, sử dụng rừng, từ đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa chính phủ với các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân trong hoạt động điều chỉnh, giám sát các hành vi trái phép ảnh hưởng đến rừng; góp phần hạn chế hiện tượng câu kết, tham nhũng, đồng thời giảm thiểu được tình trạng không công bằng trong phân chia lợi ích giữa các bên liên quan đến khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện Sáng kiến FLEGT và REDD+ cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề lùng bùng trong quyền sở hữu tài nguyên rừng và đất đai tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, nguồn thu từ REDD+ có thể được sử dụng để đền bù cho các hộ gia đình tham gia vào việc khai thác gỗ bất hợp pháp quy mô nhỏ và hệ thống phân chia lợi ích cũng cần phải được thiết kế làm sao để đảm bảo những nhóm thiệt thòi cũng sẽ được hưởng lợi.