Mỗi người dân là một kiểm lâm viên

ThienNhien.Net – Người dân được trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ rừng, động vật quý hiếm và được Nhà nước chi trả phí dịch vụ. Đó là mô hình “đồng quản lý rừng đặc dụng” đang phát huy hiệu quả ở Hà Giang.

Cùng quản lý, cùng hưởng lợi

Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh Khau Ca, thuộc huyện Vị Xuyên và Bắc Mê (Hà Giang) có diện tích hơn 2.000ha được thành lập năm 2008 với nhiệm vụ bảo vệ loài voọc mũi hếch có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Khi mới thành lập, KBT gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ.

Không chỉ bảo vệ được môi trường sống của chính mình, người dân tham gia mô hình “đồng quản lý” còn được chi trả phí.

Nguyên nhân là do thói quen săn bắn và đời sống của người dân ở đây vẫn chủ yếu dựa vào rừng. Vì lẽ đó, việc xâm phạm KBT diễn ra hết sức phức tạp, nhất là nạn khai thác gỗ, tận thu lâm sản ngoài gỗ, đánh bắt động vật hoang dã…

Trước thực trạng này, lãnh đạo KBT đã chọn mô hình “đồng quản lý rừng đặc dụng” để bảo vệ sinh cảnh và loài voọc mũi hếch quý hiếm. Theo mô hình này, mỗi người dân sống xung quanh KBT sẽ trở thành một “kiểm lâm viên”, có nhiệm vụ tuần tra, phát hiện, tố cáo người vi phạm và họ sẽ được chi trả “phí” bảo vệ.

Ông Hoàng Văn Tuệ – Trưởng ban Quản lý KBT loài và sinh cảnh Khau Ca cho biết: “Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương và toàn thể người dân tham gia bảo vệ, chúng tôi còn thành lập ra các đội tuần rừng, mỗi đội phụ trách một khu vực để thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng. Theo đó, đội trưởng sẽ hưởng lương khoảng 1,9 triệu đồng/tháng, các thành viên khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra người dân còn được hưởng 200.000 đồng/ha/năm”.

Mô hình đáng được nhân rộng

Thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá nằm tiếp giáp với KBT loài và sinh cảnh Khau Ca, trước đây vì ít hiểu biết và do thói quen săn bắn của người dân, nên cũng đã có không ít con voọc mũi hếch bị bắn thịt. Tuy nhiên, vài năm gần đây được cán bộ KBT tuyên tuyền bằng văn bản, qua các cuộc họp dân, bằng hình ảnh in trên bìa lịch… người dân đã hiểu và rất nhiệt tình tham gia bảo vệ rừng, voọc và trở thành điển hình của mô hình “đồng quản lý”.

Ông Trương Ơn Viên – Trưởng thôn Hồng Minh cho hay: “Năm 2011, thôn nhận được 39,5 triệu đồng tiền phí từ mô hình “đồng quản lý rừng đặc dụng”, chúng tôi đã mua ngô giống để chia cho người dân. Tuy mỗi hộ chỉ được vài cân giống, nhưng bà con phấn khởi lắm, từ đó người dân đã không vào xâm phạm KBT nữa”.

Sau gần 4 năm thành lập, đến nay KBT Khau Ca đã nâng số lượng cá thể voọc mũi hếch từ 70 con lên 100 con. Có được kết quả này là nhờ mô hình “đồng quản lý rừng đặc dụng”, với sự tham gia của toàn thể người dân. Anh Đám Văn Khoan, ở thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá (Vị Xuyên), Tổ trưởng Tổ tuần rừng bảo vệ voọc cho biết: “Trước đây, khi chưa thành lập KBT, voọc là đối tượng thường xuyên bị săn bắn. Nhưng bây giờ, không những voọc không bị săn bắn nữa, mà chúng còn khá thân thiện với khách vào tham quan, vì trong nhiều năm qua, chúng đã được bảo vệ rất tốt”.