“Cơn bão hoàn hảo” cho nạn săn trộm tê giác

ThienNhien.Net – Ngày 21 tháng 8, Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) công bố báo cáo mới nhất về cuộc khủng hoảng săn bắn trộm tê giác ở Nam Phi, trong đó nhấn mạnh các nguyên nhân như việc kém tuân thủ trong quản lý kho dự trữ sừng tê giác, những lỗ hổng chính sách trong việc quản lý môn thể thao săn bắn và nhu cầu sừng tê giác tăng cao tại Việt Nam. Tất cả những yếu tố này đã tạo một “cơn bão hoàn hảo” cho nạn săn trộm tê giác ở Nam Phi.

 

Ảnh: WWF

Dài 176 trang và có tựa đề Mối liên hệ buôn bán sừng tê giác giữa Nam Phi – Việt Nam: Sự kết hợp nguy hiểm của thể chế lỏng lẻo, hành vi sai trái của những người công tác trong ngành động vật hoang dã và các tổ chức tội phạm Châu Á (The South Africa—Viet Nam Rhino Horn Trade Nexus: A deadly combination of institutional lapses, corrupt wildlife industry professionals and Asian crime syndicates), báo cáo cho biết từ năm 2003, những du khách đến từ Việt Nam tham gia săn bắn chỉ nhằm mục đích lấy sừng tê giác tại Nam Phi chứ không phải vì thú vui săn bắn.

Năm 2009, chính phủ Nam Phi đã ra lệnh tạm ngừng bán sừng tê giác trên phạm vi toàn quốc nhằm ngăn chặn “sừng ngoài luồng” (sừng không được đăng ký ở trong kho) bị lén lút buôn bán; kết tội và phạt tù nặng hành vi lấy sừng bất hợp pháp của những con tê giác sống đem bán. Vào tháng 4 năm 2012, Nam Phi đã dừng cấp giấy phép săn bắn cho tất cả công dân Việt Nam đồng thời đưa ra những thay đổi khác nhằm thắt chặt những lỗ hổng tạo điều kiện cho nạn “săn bắn giả”.

Mặc dù vậy, nạn săn bắn trộm tê giác sống ở Nam Phi vẫn tăng với tốc độ phi mã, từ 13 con năm 2007 lên mức 448 con năm 2011. Tính đến ngày 17 tháng 7 năm nay, tổng số tê giác bị săn bắn trộm trong năm đã là 281 con với con số thiệt hại dự kiến cho cả năm là kỷ lục 515 con, nếu tỷ lệ săn bắn trộm hiện tại còn tiếp diễn.

Cũng tính đến thời điểm này, số vụ bắt giữ (176 vụ) tại Nam Phi liên quan đến tội phạm về tê giác đã lớn hơn tổng số vụ bắt giữ của cả năm 2010 (165 vụ). Và trong số 43 vụ bắt giữ người Châu Á được ghi nhận là có liên quan tới các tội phạm về tê giác ở Nam Phi, 24 vụ là người Việt Nam (chiếm 56%).

Báo cáo xác định Việt Nam là thị trường chính, nơi nhu cầu về sừng tê giác tiếp tục gia tăng. Bốn nhóm người tiêu dùng chính sừng tê giác tại Việt Nam đã được chỉ ra, trong đó nhóm quan trọng nhất là những người tin vào đặc tính giải độc của sừng tê giác, đặc biệt sau khi hấp thụ quá mức rượu, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và “cuộc sống giàu sang”. Những người tiêu dùng lắm tiền này thường mài sừng tê giác thành bột để trộn với nước hoặc rượu làm thuốc bổ và thuốc giã rượu.

Sừng tê giác còn được các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối dùng như một phương thuốc chữa trị, nhất là qua lời quảng cáo của các “cò” sừng tê, thành thử đôi khi họ vô tình tăng khả năng sinh lời cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp này.

Ảnh: WWF

Tiến sỹ Jo Shaw, đồng tác giả của bản báo cáo kết luận, “Nhu cầu gia tăng từ Châu Á, việc người ta sẵn sàng trả giá cao để có được sừng tê giác, và những kẻ buôn lậu sừng liều mình có lẽ đã khiến ‘mặt hàng’ này thu hút sự chú ý từ phía những băng nhóm tội phạm, tạo ra một ‘cơn bão hoàn hảo’ cho săn bắn trộm tê giác và buôn bán sừng tê giác.”

Tom Milliken, chuyên gia về tê giác của TRAFFIC, cũng là đồng tác giả của báo cáo này, cho rằng, “Nhu cầu đối với sừng tê giác tăng cao tại Việt Nam không liên quan đến việc làm thuốc đông y, mà nhằm cung cấp một loại tiêu khiển cho những người chuyên tiệc tùng hoặc để lừa tiền những bệnh nhân ung thư sắp chết về tác dụng chữa trị thần kì của sừng tê giác, điều không bao giờ xảy ra”.

Bản báo cáo kêu gọi áp dụng một số biện pháp nhằm giải quyết tình hình, trong đó kêu gọi Việt Nam “xem xét và tăng cường các hình phạt liên quan đến buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác,” và “triển khai các chiến lược thực thi pháp luật có hiệu quả đối với thị trường tiêu thụ.”

Ông Mavuso Msimang, Trưởng ban các vấn đề về tê giác (Bộ Môi trường Nam Phi) nói rằng: “Chúng ta chỉ có thể chấm dứt nạn săn bắn trộm và buôn lậu nếu vấn đề này được giải quyết cùng với toàn bộ đường dây buôn bán. Chúng tôi hy vọng rằng Nam Phi và Việt Nam có thể chủ động hợp tác nhằm chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác.”