Nhìn lại các dự án thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Sáng qua 31/07/2012, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá về kết quả thực hiện và bài học thực tế từ các dự án, hoạt động triển khai thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, đại diện Qũy môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) và một số ban ngành, tổ chức khác.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm và tổng quan về các dự án; Kết quả của dự án Áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) để trình diễn giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định từ ngành Công nghiệp Việt Nam; Dự án Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ thuốc BVTV POP tồn lưu; Dự án Khắc phục ô nhiễm Dioxin tại các điểm nóng; Trình diễn và xúc tiến Kỹ thuật và kinh nghiệm tốt nhất nhằm giảm chất thải y tế để loại bỏ phát thải Dioxin và thủy ngân ra môi trường; Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam.

Các đại biểu đã trao đổi thảo luận về các kết quả đạt được, khó khăn trong thực tế, vai trò của các Dự án GEF trong hỗ trợ xây dựng chính sách về quản lý an toàn hóa chất, bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, hội nhập quốc tế, các bài học về chuyển giao công nghệ, đóng góp lợi ích cho môi trường toàn cầu.

Công ước Stockholm là một hiệp ước toàn cầu có mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, bằng cách cấm sản xuất và sử dụng một số các chất hóa học độc hại, đặc biệt là chất Polychlorinated Biphenyls (PCB), dioxins, furans và 9 loại thuốc trừ sâu độc hại. Công ước cũng yêu cầu xử lý triệt để những địa điểm tàng trữ thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại có chứa POP, tiêu hủy các chất PCB và chất thải có chứa PCB.Công ước Stockholm được các nước ký kết ngày 22 tháng 5 năm 2001 tại Stockholm và có hiệu lực từ ngày 17 tháng 5 năm 2004. Việt Nam được phê chuẩn Công uớc Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vào ngày 22 tháng 7 năm 2002, trở thành thành viên thứ 14 của Công uớc.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm theo Quyết định 184/2006/QĐ-TTg ngày 10/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.