Kế hoạch quốc gia xử lý chất ô nhiễm khó phân hủy

Kế hoạch quốc gia về Công ước Stockholm xung quanh vấn đề xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 184. Đến nay, Việt Nam đã cấm sử dụng 9/12 thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là các chất hữu cơ độc hại.
Tham gia công ước này, Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý an toàn hóa chất, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ.

Đồng thời, phòng ngừa, kiểm soát và xử lý an toàn đối với các chất này; tiến tới kiểm soát, xử lý và tiêu hủy hoàn toàn các kho thuốc BVTV – những hóa chất rất độc hại đã bị loại bỏ, còn tồn lưu vào năm 2010

Kế hoạch trên cũng nhằm xử lý triệt để các khu vực nóng về ô nhiễm thuốc BVTV và Dioxins từ chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ngoài ra, lượng PCBs (Polychlorinated Biphenyles) phát thải vào môi trường cũng được giảm thiểu; phấn đấu loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028. Giảm thiểu liên tục lượng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ hình thành không chủ định (Dioxins và Furans).

Trong 12 chất hoặc nhóm hóa chất hữu cơ độc hạiđến thời điểm này, nước ta đã cấm sử dụng 9 loại thuốc BVTV là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng PCB.

12 chất hoặc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại nói trên bao gồm:
Aldrin, Chlordane, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Hexachlorobenzenne, Mirex, Toxaphene, DDT, PCB, Dioxins và Furans

Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (viết tắt tiếng Anh là POPs – Persistent Organic Pollutants) là các hóa chất rất độc hại, tồn tại bền vững trong môi trường và rất khó phân hủy.

 
Công ước Stockholm nhằm bảo vệ cuộc sống và môi trường thiên nhiên – đặc biệt cho người nghèo và các nước nghèo – bằng cách cấm sản xuất và sử dụng một số các chất hoá học độc hại, đặc biệt là Polychlorinated Biphenyls (PCBs), dioxins, furans, và 9 loại thuốc trừ sâu rất độc hại. Công ước cũng yêu cầu xử lý triệt để những địa điểm tàng trữ thuốc trừ sâu và hoá chất độc hại có chứa POPs, cũng như tiêu huỷ các chất PCB và chất thải có chứa PCB. 
Công ước Stockholm chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14/ 5/2004. (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Chúng có khả năng phát tán rộng và tích tụ sinh học cao trong các mô của sinh vật, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người (gây ra các bệnh về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen…), đa dạng sinh học và môi trường sống.

Theo các số liệu đã công bố, Việt Nam còn khối lượng dầu có chứa PCB có thể lên tới 19.000 tấn, chủ yếu từ các máy biến thế điện kiểu cũ. Tổng lượng chất thải nguy hại ước tính năm 2003 là 160.000 tấn mỗi năm, trong đó 130.000 tấn từ các chất thải công nghiệp, 21.000 tấn từ các chất thải y tế của các bệnh viện, trạm xá và viện điều dưỡng, và 8.600 tấn từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một số vùng có dư lượng các chất dioxin và furans ở trong đất do hậu quả của việc sử dụng tới 72 triệu lít thuốc diệt cỏ trong thời kỳ chiến tranh 1961-1971