Cơ hội nhận tài trợ về bảo tồn đa dạng sinh học từ BirdLife International và CEPF

Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International) và Quỹ Đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) hiện đang tiếp nhận thư yêu cầu tài trợ từ khối xã hội dân sự về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại điểm nóng Indo-Burma.

Thông tin chi tiết như sau:

BirdLife International-Chương trình Đông Dương, với vai trò là Nhóm Thực hiện cấp vùng (RIT) của Quỹ Đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) ở điểm nóng Indo-Burma, đang kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, nhóm cộng đồng và các tổ chức dân sự khác gửi Thư yêu cầu tài trợ (LoIs) cho các dự án quy mô nhỏ.

Đây là lần thứ tư BirdLife và CEPF mời gửi thư yêu cầu tài trợ cho khu vực Indo-Burma.

Hạn cuối nhận đề xuất dự án là 17h30 (giờ Hà Nội) ngày 01/8/2012 nhưng các tổ chức nên nộp đề xuất trước thời hạn để quá trình xét duyệt hồ sơ được tiến hành sớm. Lần thông báo mời gửi thư yêu cầu tài trợ này vẫn được dành cho bốn quốc gia là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam và sẽ tập trung vào giải quyết những khoảng trống trong danh mục đầu tư hiện tại của CEPF.

Các đơn vị xin tài trợ cần đọc kỹ chiến lược đầu tư và định hướng chiến lược cho vùng Đông Dương, được tóm tắt bằng tiếng Anh, Khơ-me, Lào, Thái, Việt tại http://www.birdlifeindochina.org/cepf/eligibility-criteria và bản đầy đủ bằng tiếng Anh tại http://cepf.net/Documents/final.indoburma_indochina.ep.pdf (PDF 2.5MB).

Xin lưu ý rằng, với các đề xuất dự án nộp trong các đợt thông báo mời gửi thư tài trợ trong năm 2012, ưu tiên sẽ được dành cho các đề xuất dự án của các tổ chức dân sự trong nước. CEPF cũng hoan nghênh các đề xuất của các đơn vị đã và đang nhận tài trợ cũng như chưa nhận được tài trợ của CEPF.

Hướng chiến lược 1. Giám sát và bảo vệ các loài bị đe dọa toàn cầu cần ưu tiên bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa chính

Ưu tiên đầu tư 1.1 Xác định và đảm bảo cho các quần thể gốc của 67 loài bị đe dọa toàn cầu khỏi các hoạt động khai thác quá mức và buôn bán bất hợp pháp.

BirdLife và CEPF xin mời các dự án đề xuất bảo vệ các loài đang bị đe dọa ở mức độ toàn cầu sau đây: (i) Trâu rừng Buffalo Bubalus bubalis; (ii) Hươu vàng Axis porcinus; (iii) Nai cà-toong Rucervus eldii; (iv) Mèo cá Prionailurus viverrinus; (v) Sao la Pseudoryx nghetinhensis; (vi) Voọc mông trắng Trachypithecus delacouri; (vii) Voọc bạc T. germaini; (viii) Voọc vá chân nâu Pygathrix nemaeus; (ix) Voọc vá chân xám P. cinerea; (x) Vượn đen Nomascus concolor; (xi) Vượn đen má trắng N. leucogenys; (xii) Gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi; (xiii) Sếu đầu đỏ Grus antigone; (xiv) Vạc hoa Gorsachius magnificus; (xv) Quắm cánh xanh Pseudibis davisoni; (xvi) Quắm lớn Thaumatibis gigantea; (xvii) Kền kền Ben Gan Gyps bengalensis; (xviii) Kền kền mỏ bé G. tenuirostris; (xix) Kền kền đầu đỏ Sarcogyps calvus; (xx) Ô tác Houbaropsis bengalensis; (xxi) Rùa núi nâu Manouria emys; (xxii) Rùa Batagur borneoensis; (xxiii) Rùa Ấn Độ Chitra chitra; (xxiv) Rùa hộp Cuora zhoui; (xxv) Cá đuối nước ngọt Mê Kông Dasyatis laosensis; (xxvi) Cá đuối nước ngọt lớn Himantura polylepis; (xxvii) Cá đuối gấm nước ngọt H. oxyrhynchus; (xxviii) Cá đuối vây trắng nước ngọt H. signifier; (xxix) Cá tra dầu Pangasianodon gigas; (xxx) Cá vồ cờ Pangasius sanitwongsei; (xxxi) Cá sóc Probarbus jullieni; và (xxxii) Cá huyết long Scleropages formosus.

Ưu tiên đầu tư 1.2 Thực hiện các chiến dịch truyền thông để tăng cường hiệu lực của các chính sách hiện có về buôn bán các loài hoang dã và góp phần làm giảm nhu cầu tiêu dùng đối với 67 loài bị đe dọa toàn cầu và các sản phẩm từ chúng.

BirdLife và CEPF xin mời các dự án đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng buôn bán các sản phẩm làm từ tê giác.

Hướng chiến lược 2. Phát triển các tiếp cận mang tính sáng tạo, do địa phương đề xuất và thực hiện để bảo tồn 28 vùng đa dạng sinh học trọng yếu

Ưu tiên đầu tư 2.1 Đưa ra các sáng kiến mang tính sáng tạo về quản lý và giám sát bảo tồn dựa trên các bên liên quan tại 28 vùng đa dạng sinh học trọng yếu.

BirdLife và CEPF xin mời các dự án đề xuất bảo vệ các khu vực sau đây của sông Mê Kông và Hành lang các nhánh chính: (i) sông Sekong ở Campuchia; (ii) sông Sesan ở Campuchia; (iii) sông Srepok; (iv) sông Mê Kông từ Phou Xiang Thong đến Siphandon; và (v) Siphandon.

BirdLife và CEPF xin mời các dự án đề xuất bảo vệ các khu vực sau đây của Biển hồ (Tonle Sap) và Hành lang khu vực ngập lụt: (vi) Ang Trapeang Thmor; (vii) Boeung Chhmar-Moat Khla; (viii) Chhnuk Tru; (ix) Dei Roneat; (x) Lower Stung Sen; (xi) Preah Net Preah-Kra Lanh-Pourk; (xii) Prek Toal; (xiii) Stung-Chi Kreng-Kampong Svay; (xiv) Stung Sen-Santuk-Baray; và (xv) Veal Srongae.

Hướng chiến lược 3. Lôi kéo sự tham gia của các bên liên quan chính vào dung hòa các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển, đặc biệt chú trọng vào các vùng cao nguyên đá vôi phía bắc và sông Mê Kông và các nhánh chính của sông Mê Kông

Ưu tiên đầu tư 3.1 Đưa ra các sáng kiến mang tính sáng tạo về quản lý và giám sát bảo tồn dựa trên các bên liên quan tại 28 vùng đa dạng sinh học trọng yếu.

BirdLife và CEPF xin mời các dự án trực tiếp đề xuất giải quyết các vấn đề sau đây: (i) phát triển thủy điện ở hạ nguồn lưu vực sông Mê Kông; ii) phát triển công – nông nghiệp tại khu vực ngập lụt của Biển hồ và dọc sông Mê Kông và các nhánh chính ở Campuchia; và iii) quản lý việc đánh bắt thủy sản không bền vững tại khu vực Biển hồ và dọc sông Mê Kông và các nhánh chính, đặc biệt quan tâm đến khả năng đề xuất thành lập các khu vực bảo tồn thủy sản.

Ưu tiên đầu tư 3.2 Hỗ trợ các sáng kiến có tác dụng đẩy mạnh việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các dự án và chương trình phát triển.

Bất kỳ dự án nào trực tiếp giải quyết ưu tiên đầu tư này đều được khuyến khích.

Ưu tiên đầu tư 3.3 Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, nhà báo và các luật gia.

BirdLife và CEPF xin mời các dự án đề xuất nâng cao nhận thức về những tác động tiềm tàng đối với môi trường và xã hội ở đồng bằng sông Mê Kông từ việc xây dựng các công trình thủy điện phía thượng nguồn.

————————————————————————————————————-

Các tổ chức phi chính phủ, các nhóm cộng đồng, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức dân sự khác đều có thể đề xuất xin tài trợ. Các cơ quan này phải có tài khoản ngân hàng riêng và phải là cơ quan, tổ chức được phép nhận tài trợ (đóng góp từ thiện) theo các quy định pháp lý có liên quan của nhà nước. Các công ty hay tổ chức thuộc nhà nước sẽ chỉ có thể phù hợp để xin tài trợ này nếu các công ty hay tổ chức đó (i) có tư cách pháp nhân độc lập với bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào; (ii) có quyền được đề xuất và nhận tài trợ từ các quỹ tư nhân; và (iii) có thể sẽ không có quyền yêu cầu được miễn trách nhiệm truy tố.

Trong phạm vi nghĩa rộng của tiêu chí phù hợp để xin tài trợ từ CEPF, như mô tả ở trên, các tổ chức có tính chất hoạt động gần nhất với ý nghĩa của cụm từ xã hội dân sự và có thể xây dựng năng lực xã hội dân sự được đặc biệt khuyến khích gửi Thư yêu cầu tài trợ. Các đề xuất dự án có bao gồm các đối tượng tổ chức dân sự có năng lực còn giới hạn mà có thể chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa đủ năng lực để đề xuất dự án, ví dụ, các nhóm cộng đồng, cũng được khuyến khích. Ngoài ra, các cá nhân cũng được khuyến khích hợp tác với các tổ chức dân sự để cùng xây dựng đề xuất dự án hơn là tự xin tài trợ. Nếu đơn vị không chắc chắn về sự phù hợp để nhận tài trợ CEPF của cơ quan hoặc tổ chức của mình, xin mời liên hệ Nhóm Thực hiện cấp vùng của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International) theo địa chỉ e-mail cepf-rit@birdlife.org.vn.

Tài trợ này không được sử dụng để: (i) mua đất, tái định cư bắt buộc (bao gồm cả việc thay thế phương thức sử dụng đất), hay các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên văn hóa vật thể, bao gồm những tài nguyên quan trọng đối với các cộng đồng địa phương; (ii) các hoạt động gây ảnh hưởng bất lợi đến người dân bản địa hay tại những nơi mà cộng đồng địa phương không ủng hộ các hoạt động của dự án; hoặc (iii) lấy đi hoặc làm thay đổi các tài sản văn hóa vật thể (bao gồm cả các khu vực có giá trị về khảo cổ học, cổ sinh học, lịch sử, tôn giáo, hay các giá trị tự nhiên độc đáo).

Các hoạt động được đề xuất cần tuân thủ tất cả các chính sách xã hội và môi trường của Ngân hàng Thế giới http://go.worldbank.org/WTA1ODE7T0.

Trong lần mời gửi Thư yêu cầu tài trợ này, CEPF sẽ hỗ trợ các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học quy mô nhỏ dưới 20.000 Đô la Mỹ. Theo dự kiến, khoảng 15 tới 20 dự án nhỏ sẽ được tài trợ trong đợt này. Thư yêu cầu tài trợ dự án nhỏ có thể trình bày bằng tiếng Anh, Khmer, Lào, Thái và Việt.

Mẫu Thư yêu cầu xin tài trợ có tại địa chỉ http://birdlifeindochina.org/cepf/application-process hoặc http://cepf.net/Documents/cepf.loi.doc. Trước khi nộp Thư yêu cầu, các ứng viên được khuyến khích thảo luận về ý tưởng và tính phù hợp của dự án với Nhóm Thực hiện cấp vùng BirdLife theo email cepf-rit@birdlife.org.vn.

Khi hoàn tất Thư yêu cầu xin tài trợ, xin mời gửi tới địa chỉ cepf-rit@birdlife.org.vn. Ứng viên sẽ nhận được một email khẳng định đã nhận được hồ sơ đề xuất và hồ sơ này sẽ được chuyển đến cho cán bộ có trách nhiệm. Ứng viên sẽ được liên hệ để thông báo tiến trình xử lý hồ sơ. Các yêu cầu hay thắc mắc nảy sinh trong tiến trình xét duyệt có thể gửi đến cepf-rit@birdlife.org.vn.

Thông tin thêm và trợ giúp xin mời liên hệ:

CEPF-RIT BirdLife International in Indochina

Phòng 211 – 212, nhà D1, Khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc, 298 Kim Mã, Hà Nội, Việt Nam.

Email: cepf-rit@birdlife.org.vn; Website: http://www.birdlifeindochina.org/cepf

ĐT: +84 (0)4 3514 8904, Ext. 28; Fax: +84 (0)4 3514 8921.