Khuyến khích thực hiện chính sách tiết kiệm nước

ThienNhien.Net – Ngày 21/06, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên nước (sửa đổi), trong đó khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách tiết kiệm nước.

Sông Cửu Long (Ảnh: ThienNhien.Net)

Luật tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương 79 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương: Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; Tổng hợp, tiếp thu, giải trình và gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư; Công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra cho cộng đồng trước khi triển khai thực hiện dự án. Luật cũng quy định cụ thể các hoạt động cần phải thực hiện đối với dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên sông thuộc lưu vực sông liên tỉnh…

Nhằm khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách tiết kiệm nước trong việc tái sử dụng nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn vào các mục đích sử dụng, Luật đã quy định Nhà nước đầu tư và có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phát triển các nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt, thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, phòng, tránh, giảm nhẹ tác hại do nước gây ra.