Xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh phù hợp xu thế thế giới

ThienNhien.Net – Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về Dự thảo Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam vào ngày 28/5.

Theo Dự thảo Chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày, mục tiêu của tăng trưởng xanh của Việt Nam là nhằm tiến tới một nền kinh tế các-bon thấp, trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.

Phong điện - một loại năng lượng góp phần cho tăng trưởng xanh (Ảnh: ktdt.com.vn)

Nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho thấy Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 33/221 nước được khảo sát khí nhà kính. Tổng lượng phát thải khí nhà kính của nước ta vào năm 2000 là 150,9 triệu tấn CO2, tính theo GDP của Việt Nam là 4,84 tấn/1 triệu USD.

Mức phát thải khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng đang tăng nhanh từ 0,3 tấn (năm 1990) lên 1,2 tấn (năm 2007), các ngành chính có tỷ lệ phát thải cao trong tổng lượng phát thải là nông nghiệp 43%, năng lượng 35%, còn lại là sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và quá trình công nghiệp. Dự báo đến năm 2030, tổng lượng phát thải CO2 ở Việt Nam lên khoảng 500 triệu tấn.

Vì vậy, việc giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính trở thành một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.

Dự thảo cũng đưa ra kịch bản giảm phát thải khí nhà kính, theo đó, đến năm 2020, nền kinh tế Việt Nam giảm cường độ phát thải nhà kính 10-15% so với năm 2010, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấm dứt suy thoái môi trường. Đến năm 2030, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới, thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến phương thức tăng trưởng xanh, do vậy, giảm tổng mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2%. Đến năm 2050, năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến.

Đây là dự thảo lần thứ 7 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, xây dựng trên cơ sở nghiên cứu đường cong chi phí giảm phát thải (MACC) để xác định kịch bản giảm phát thải, tập trung vào 3 lĩnh vực phát sinh khí nhà kính chủ yếu (chiếm 80% phát thải) là năng lượng, nông nghiệp và lâm nghiệp.

Một trong những vấn đề đặt ra khi thực hiện tăng trưởng xanh sẽ ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo lần cuối cùng đã lồng ghép các vấn đề về xã hội như việc làm, thất nghiệp để giải quyết những tồn tại trên.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý dự thảo cần làm rõ các giải pháp cụ thể đối với từng ngành cũng như phân tích được các thách thức của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Đồng thời, các bộ cũng phải xây dựng chương trình hành động, đề ra được các dự án cụ thể để thu hút các nguồn lực sau khi Chiến lược được phê duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ hoàn thiện dự thảo và sớm trình Thủ tướng chậm nhất vào ngày 30/6.