Tây Nguyên: Dân lấn rừng trồng tiêu, sắn

ThienNhien.Net – Tình trạng giá sắn, tiêu tăng đột biến trong vài năm trở lại đây đã đẩy người dân nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên liên tục lấn rừng, lấy đất trồng tiêu, sắn, khiến nhiều cánh rừng đầu nguồn cũng trở nên tan hoang vì bị chặt phá.

Hàng nghìn thân cây bị đốn hạ làm trụ cho hồ tiêu (Ảnh: Kinhtenongthon.com.vn)

Theo Báo Kinh tế nông thôn ngày 23/05/2012, tính đến nay, diện tích sắn ở Tây Nguyên đã lên tới 157.141ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2006, trong đó, tập trung nhiều nhất ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; diện tích hồ tiêu toàn vùng tăng lên 15.300ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông.

Với mức giá gia tăng đột biến (dao động ở mức 4.000 – 4.500 đồng/kg sắn khô, 120.000 – 130.000 đồng/kg tiêu đen), hàng nghìn hộ dân nơi đây đã nhờ tiêu, sắn mà nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đáng tiếc là ngoài một phần nhỏ diện tích được bà con chuyển đổi từ đất trồng cà phê, ngô, khoai sang thì phần lớn đất trồng sắn, tiêu là do lấn chiếm, chặt phá rừng. Thậm chí, ở một số địa phương, người dân còn lấy gỗ rừng làm trụ cho hồ tiêu, như trường hợp xảy ra phổ biến tại các xã Ia Ga, Ia Mơr, Ia Lâu… của huyện Chư Prông (Gia Lai), hoặc bán gỗ cho các đầu nậu với số lượng lớn.

Trước phong trào sản xuất ồ ạt nói trên, thiết nghĩ, nếu ngành chức năng các tỉnh khu vực Tây Nguyên không tích cực vào cuộc thì nhiều cánh rừng đầu nguồn ở Tây Nguyên khả năng sẽ sớm bị xóa sổ.