Phát triển thảo quả phải đi đôi với bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Thảo quả là giống cây dược liệu dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, thu hái và chế biến, lại cho giá trị kinh tế cao, do đó được đánh giá là loài cây góp phần cải thiện kinh tế và xóa đói giảm nghèo  ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La…. Tuy nhiên, diện tích trồng cây thảo quả mở rộng cũng kèm theo mặt trái là rừng tự nhiên suy thoái ngày một nhanh chóng.

Ảnh: Phạm Văn Phú

Thảo quả là giống cây ưa bóng, chỉ sống được dưới những tán rừng có độ ẩm cao nên khi gieo trồng người dân phải phát quang lớp cây bụi, thảm tươi bên dưới. Việc làm này vô hình trung sẽ làm tăng độ rửa trôi, bào mòn của lớp đất mặt từ đó làm suy giảm sự đa dạng của thảm thực vật rừng.

Lớp cây bụi, thảm tươi không chỉ có mối quan hệ cộng sinh với các loài cây thân gỗ mà còn là nguồn thức ăn, nơi trú ẩn cho nhiều loài động vật hoang dã sống trong rừng. Vì vậy, khi lớp dây leo, thảm tươi này bị phá hủy cũng đồng nghĩa với việc đẩy một số loài động vật sống trong rừng tới bờ vực diệt vong.

Thêm nữa, việc trồng cây thảo quả cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng vì xác lớp dây leo, cây bụi rất dễ bắt lửa khi gặp thời tiết khô hanh và nhiều người dân rất bất cẩn trong quá trình trông coi, canh tác.

Trong quá trình thu hoạch và chế biến, để sấy khô 100kg thảo quả tươi cần trung bình 1,2- 1,5 khối gỗ, củi khô. Số gỗ, củi này cũng là thường được lấy từ rừng.

Thực tế cho thấy, muốn phát triển, mở rộng diện tích thảo quả một cách hiệu quả và bền vững icác cấp lãnh đạo cần có chủ trương, định hướng và quy hoạch vùng cụ thể, cùng với đó là sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và các biện pháp giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.