100 giải pháp chống khủng hoảng khí hậu

ThienNhien.Net – Nhà môi trường học Paul Hawken vừa xuất bản cuốn sách Drawdown: The Most Comprehensive Plan Ever Proposed to Reverse Global Warming tổng hợp 100 giải pháp, trong đó 80 giải pháp hiện đang được áp dụng để ngăn chặn nóng lên toàn cầu. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Drawdown, tổ chức do ông sáng lập với nhiệm vụ nghiên cứu và thúc đẩy lộ trình tới khi nồng độ khí nhà kính bắt đầu giảm.  Theo ông để giải quyết biến đổi khí hậu cần tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của tiến sĩ Paul Hawken và với Tạp chí Yale Environment 360.

Paul Hawken/Yale 360

PV: Cuốn sách này đã liệt kê 80 giải pháp đang được thực hiện và có khả năng nhân rộng. Chúng được xếp hạng theo số lượng Giga tấn CO₂ hoặc lượng khí thải khác có thể loại bỏ trong khoảng thời gian từ năm 2020 tới 2050. Giải pháp số 1 là quản lý chất làm lạnh. Giải pháp này liên quan đến việc kiềm chế phát thải HFCs, khí nhà kính siêu mạnh, và theo ước tính của Drawdown sẽ giúp tránh được 90 Giga tấn CO2. Xin ông vui lòng chia sẻ thêm về vấn đề với HFCs và giải pháp?

Paul Hawken: Đầu tiên, tôi xin nói rằng chúng tôi cũng rất ngạc nhiên về 10 giải pháp hàng đầu. Nếu bổ sung Bản sửa đổi Kigali vào Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ôzôn và các ước tính về những gì có thể làm được trong việc giảm HFCs, con số trên thậm chí còn lớn hơn.

Khi cuốn sách này được xuất bản, ngành công nghiệp điện lạnh đã rất kinh ngạc vì họ đang trang bị hệ thống làm lạnh trên khắp thế giới. Họ nói rằng đã có 10.000 siêu thị tại Mỹ chuyển từ dùng HFCs sang propan, ammonia và các chất thay thế được phê chuẩn khác.

PV: Đây không phải giải pháp xử lý cuối cùng cho HFCs đúng không, thưa ông?

Paul Hawken: Đúng vậy. Dung dịch HFCs được giữ lại và tái sử dụng ở một số quốc gia, thu giữ và đốt trong các cơ sở tiêu huỷ được chứng nhận. Các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu là cao nhất, tiếp theo là Hoa Kỳ. Vấn đề này nghiêm trọng hơn ở các nước có thu nhập thấp.

PV: Tôi muốn tìm hiểu một chút về các nghiên cứu dẫn tới các giải pháp. Chẳng hạn như giải pháp thứ 35 là tre. Đây là loài có khả năng phát triển mạnh trên đất thoái hoá. Nghiên cứu đưa ra kết luận rằng loài này có thể phát triển một cách hợp lý trên 37 triệu loại đất bị xuống cấp hoặc bị bỏ hoang và có khả năng lưu trữ hơn 7 Giga tấn CO₂ vào năm 2050. Yêu cầu đầu tư là 24 tỷ USD. Tôi tin rằng, giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả gấp 10 lần số tiền đó. Vậy ai đã thực hiện những tính toán này, thưa ông?

Paul Hawken: Chúng tôi có 70 nghiên cứu sinh từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi người trong số họ chọn một hoặc hai giải pháp và viết một luận văn thạc sĩ về các giải pháp đó. Họ đã đánh giá tổng quan vấn đề nghiên cứu. Có khoảng 5.000 tài liệu tham khảo cho 80 giải pháp này hiện đang được đăng tải trên trang web của dự án, hoàn toàn minh bạch. Chúng tôi có quy trình đánh giá ba bước. Đầu tiên là đánh giá nội bộ, tiếp đến đánh giá bởi các cố vấn, sau cùng là những chuyên gia khoa học bên ngoài.

PV: Tôi thấy rất ngạc nhiên khi ông kết hợp giải pháp số 6 – giáo dục phổ thông cho trẻ em gái ở trường trung học, với giải pháp số 7 – kế hoạch hóa gia đình dành cho các phụ nữ, để giúp giảm phát thải CO₂?

Paul Hawken: Dữ liệu đã cho thấy điều đó. Nó là  những gì mà chúng tôi gọi là gọi là “Ai biết?” trong cuốn Drawdown. Dự báo dân số năm 2050 của Liên hợp quốc là 9,7 hoặc 10,8 tỷ người. Liên hợp quốc khẳng định rằng sự khác biệt của hai kết quả này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc tiếp cận và áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Giáo dục trẻ em gái là một con đường để thúc đẩy việc kế hoạch hóa gia đình và một biên pháp khác là có sẵn phòng khám cho phụ nữ trên toàn thế giới để hỗ trợ sức khoẻ, hạnh phúc và sự lựa chọn sinh sản của họ. Điều này có thể giúp tránh được tổng cộng 119,2 Giga tấn CO2.

Ảnh minh họa: Mongabay

PV: Trong cuốn sách, ông và các đồng nghiệp của mình đã viết, “Là những nhà nghiên cứu, chúng tôi đã và vẫn ngạc nhiên về tác động mà các giải pháp cá nhân có thể thực hiện, đặc biệt là liên quan đến sản xuất và tiêu thụ thực phẩm.” Ông có thể nói một chút về điều này không, thưa ông?

Paul Hawken: Nếu bạn hỏi chúng tôi sao không đưa tên vấn đề này trong 5 hoặc 10 giải pháp hàng đầu, chúng tôi có thể không biết trả lời ra sao. Chúng tôi đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề quản lý tiêu dùng thực phẩm. Chúng tôi sẽ phải đánh giá lại điều này. Chẳng hạn như việc giảm chất thải thực phẩm, chúng tôi không tính toán được lượng methan phát thải từ bãi chôn lấp thực phẩm. Đó là một con số khổng lồ. Chúng tôi không biết làm thế nào để đo lường và cũng không có dữ liệu đáng tin cậy, vì vậy chúng tôi không đưa vào tính toán. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không xảy ra.

Chúng tôi có giải pháp chế độ ăn uống giàu thực vật. Ý tưởng không phải là bạn phải ăn chay hay không ăn thịt. Những gì chúng tôi cố gắng làm là giảm mức protein trong chế độ ăn đến mức khỏe mạnh ở các nước phát triển và đưa chúng tới mức tiêu chuẩn tại các quốc gia có thu nhập thấp đang có sự thiếu hụt protein, với cùng một lượng calo. Nói cách khác, người dân trên thế giới có một chế độ ăn uống lành mạnh và nhiều protein thực vật hơn, nhưng không loại bỏ protein động vật.

PV: Dự án Drawdown muốn mọi người hãy xắn tay áo lên và bắt tay vào việc. Ông có nghĩ rằng một số người chỉ ghi nhận Drawdown là một thông điệp tốt, chứ không phải là một chiếc hộp chứa đựng mọi lời giải không?

Paul Hawken: Tôi cho rằng việc tập trung không ngừng vào vấn đề sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Một khi bạn đưa ra một vấn đề, đừng đẩy mọi người đối mặt với vấn đề thay vào đó là “Hãy giải quyết vấn đề này.”

Những gì Dự án Drawdown nói với thế giới là chúng ta đang tập trung quá nhiều vào vấn đề thay vì giải pháp. Chúng ta chưa từng lập bản đồ, đo đạc và mô phỏng những giải pháp hàng đầu nhằm làm giảm ấm lên toàn cầu cho 40 năm sau. Bây giờ chúng ta đã có trong tay một loạt các giải pháp cần thiết để đảo ngược sự nóng lên toàn cầu. Nếu các biện pháp này tiếp tục lan tỏa rộng rãi và áp dụng một cách hợp lý thì liệu chúng ta sẽ thực sự đạt được điểm tới hạn, khi khí nhà kính đạt đỉnh điểm và sau đó giảm xuống theo từng năm không? Câu trả lời là “Có”.

Dương Kim (Theo Yale 360)