Đồng Nai “thức tỉnh” bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 17/21 khu công nghiệp (KCN) tập trung đã đi vào hoạt động. Công nghiệp phát triển, tuy đã được quan tâm nhưng vụ gây ô nhiễm môi trường của Công ty VEDAN vừa qua đã thực sự đánh thức tỉnh Đồng Nai về bảo vệ môi trường, nhất là quản lý chất thải rắn đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Xác định bị ô nhiễm

Kết quả quan trắc gần đây cho thấy, sông hồ ở Đồng Nai đáp ứng tương đối đầy đủ nguồn tài nguyên nước cho nhu cầu cuộc sống nhưng còn một số khu vực chịu tác động trực tiếp bởi các nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp, nước thải dân sinh. Khu vực cầu La Ngà gần hồ Trị An (huyện Định Quán) và đoạn sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa bị tác động hữu cơ nhẹ; vùng thượng lưu sông Thị Vải, khu vực các suối Linh, Săn Máu, Chùa, Rạch Đông, Bà Lúa… bị ô nhiễm hữu cơ chưa thể khắc phục ngay.

Ở các khu đô thị, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, không đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nên còn xảy ra ngập úng cục bộ ở nhiều nơi. Nước thải sinh hoạt chưa được thu gom xử lý trước khi chảy đến nguồn tiếp nhận, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước. Trong 5 năm trở lại đây, chiều hướng phát sinh chất thải rắn trên địa bàn không ngừng tăng; trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 328.500 tấn/năm; chất thải công nghiệp nguy hại 20.000 tấn/năm.

Ở nông thôn, chương trình quốc gia về nước sạch, các giải pháp vệ sinh môi trường được nâng lên, song chất thải phát sinh trong nông nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không đúng quy định, dẫn đến ô nhiễm môi trường (ONMT) và đe dọa đến sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, 17 KCN hoạt động hàng ngày thải ra môi trường khoảng 70.000m3 nước thải nhưng việc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường, phần lớn nước thải chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước ở nhiều nơi trong tỉnh. Để khắc phục, UBND tỉnh yêu cầu các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (NTTT) trong năm 2008.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2008 mới có 12/21 KCN có hệ thống xử lý NTTT, xử lý khoảng 33% lượng nước thải từ hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đồng Nai, gần 100 doanh nghiệp có mặt trong danh sách “đen” về gây ô nhiễm môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có xử lý nhưng nước thải xả ra vẫn có hàm lượng chì, sắt, BOD5, COD… vượt chuẩn nhiều lần cho phép.

Không thể sống chung với ô nhiễm

Một trong những yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thời gian qua là việc cơ quan chức năng thiếu kiểm tra các đơn vị kinh doanh sản xuất có lượng nước thải cần phải quan tâm, không ít doanh nghiệp nhiều năm “né” việc đóng phí BVMT đối với nguồn nước thải.

Giám đốc Sở TN-MT Lê Viết Hưng cho biết, sau sự cố Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, cơ quan chức năng đã đề ra nhiều biện pháp để từng bước khắc phục tình trạng ONMT. Các KCN ở Đồng Nai đã và đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, các doanh nghiệp có chuyển biến trong đóng phí BVMT. Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố các cơ sở gây ONMT trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết xử phạt hành chính, khiến các doanh nghiệp lâu nay xem nhẹ trách nhiệm BVMT phải chấp hành tốt hơn. Sự phối hợp trong công tác BVMT chưa chặt chẽ; năng lực quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm còn bất cập; vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; hình thành hoặc mở rộng các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chú ý thực hiện tốt chức năng lồng ghép các yếu tố BVMT… những tồn tại này cần khắc phục trong thời gian tới.

Đồng Nai xem việc xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là một giải pháp chủ yếu để khắc phục ô nhiễm. Tỉnh tiếp tục công bố các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, không cấp phép, kêu gọi đầu tư nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Đối với các doanh nghiệp bị công bố gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh gia hạn lộ trình cho doanh nghiệp tự khắc phục hệ thống xử lý nước thải, thời gian tối đa 1 năm, yêu cầu sớm lắp đặt các thiết bị phục vụ cho công tác xử lý nước thải; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch, không làm ảnh hưởng đến môi trường.

HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết với chỉ tiêu trong năm 2009, 100% các KCN phải có hệ thống xử lý NTTT và 90% đạt tiêu chuẩn về môi trường. Sở TN-MT xây dựng kế hoạch cụ thể: tăng cường công tác kiểm tra, hoạt động thu gom và xử lý các loại chất thải trên địa bàn; kiểm tra, hướng dẫn xử lý ô nhiễm đối với các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng; phúc tra 150 cơ sở gây ONMT đã được kiểm tra phân loại năm 2008.

Chuyển động bước đầu

Theo Sở TN-MT Đồng Nai, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý NTTT tại các KCN còn gặp một số khó khăn nên kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường, từ đầu năm 2009 đến nay có thêm 5 KCN tiến hành khởi công đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Mới đây, KCN Hố Nai đã khởi công xây dựng hệ thống xử lý NTTT với kinh phí 26 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 là 4.000 m³/ngày đêm. Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và KCN IDICO (URBIZ) đầu tư hơn 10 tỷ đồng nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN Nhơn Trạch 1 từ 2.000 m3 lên 4.000 m3/ngày đêm và đầu tư hệ thống xử lý màu để đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định nước thải công nghiệp… Đây là những tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để hi vọng phần lớn các KCN ở Đồng Nai sẽ có hệ thống xử lý NTTT trong năm 2009.

Tỉnh Đồng Nai quyết tâm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các khu công nghiệp, khu đô thị trong tỉnh; từng bước cải thiện chất lượng môi trường, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng về môi trường. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, phấn đấu thu thu gom, xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt, hơn 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế.

Năm 2009, khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) sẽ được mở rộng thành khu xử lý chất thải rắn liên huyện Thống Nhất-thị xã Long Khánh và các khu công nghiệp kế cận với quy mô 100 hécta. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) có diện tích khoảng 100 hécta sẽ là bãi xử lý chất thải rắn tập trung cho TP.Biên Hòa và 2 huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Riêng khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) có quy mô 100 hécta dự kiến sẽ là khu xử lý chất thải rắn tập trung cho cả 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch…