Bảo tồn rừng bằng nghề nuôi ong mật ở Gruzia

ThienNhien.Net – Dân làng Tadzrisi và Sakire của Cộng hòa Gruzia (Georgia) – một quốc gia Âu Á nằm ở phía bờ Đông Biển Đen – nhiều đời nay đã kiếm sống bằng cách vào rừng lấy gỗ trái phép, đẩy nhiều cánh rừng vốn bạt ngàn, xanh tốt vào tình trạng suy kiệt nghiêm trọng. Nay, họ đã tìm được một nguồn sinh kế phù hợp có thể cải thiện cuộc sống mà không gây hại tới rừng, đó là nghề nuôi ong lấy mật.

Là một chuyên gia nuôi ong, chủ nhân của những mẻ mật thơm ngon và chất lượng, ông Murman Tabukashvili luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và sẵn lòng giúp đỡ bà con xóm giềng theo đuổi nghiệp nuôi ong với mong muốn đưa ngôi làng của mình trở thành nơi cung cấp nguyên liệu thường xuyên cho những nhà buôn mật ong chuyên nghiệp.

Một tổ ong lớn ở Gruzia (Ảnh: Tom Bonnell/Greenrightnow.com)

Cũng với tâm nguyện như Murman, Giáo sư Darejan Baliashvili thuộc Viện Nghiên cứu khoa học về nuôi ong của Gruzia đang nỗ lực giúp những người dân trong vùng có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Bà đứng ra chủ trì nhiều buổi tập huấn với sự góp mặt của tất cả những cá nhân có cùng mối quan tâm. Ở đó, những người dạn dày sẽ san sẻ kinh nghiệm cho những thành viên mới chập chững vào nghề.

Nội dung những bàn luận và chia sẻ xoay quanh đủ mọi chủ đề liên quan, từ đặc điểm sinh thái của ong mật, tái sinh sản, khai thác cho đến những bí quyết phát triển đàn ong. Sau lý thuyết, những người tham gia còn được trải nghiệm thực tế qua một bài thi nhỏ với phần thưởng cao nhất dành cho người thắng cuộc là bộ dụng cụ để khởi nghiệp nuôi ong lấy mật.

Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), mô hình phát triển sinh kế nhờ nghề nuôi ong đã từng bước được hiện thực hóa và được cộng đồng nơi đây chấp nhận. Hoạt động này xét trên phương diện kinh tế giúp các hộ dân tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho gia đình, từ đó giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng, mặt khác góp phần đáng kể bảo vệ những cánh rừng tự nhiên còn sót lại của địa phương.

Đánh giá thành quả của mô hình nuôi ong kết hợp kinh tế và bảo tồn này, các chuyên gia cho rằng thành công có được không chỉ nhờ vào hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài, sự ủng hộ của chính quyền sở tại mà phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của các cộng đồng địa phương.

Từ Tadzrisi và Sakire, nghề nuôi ong lấy mật đang được nhân rộng tại Gruzia trong vài năm trở lại đây, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và những cánh rừng tự nhiên.