Thể thao săn thú có thực sự cứu các loài thú?

ThienNhien.Net – Khi Mozambique mất đi hơn một nửa số voi do săn bắn tính từ năm 2009, quyết định tài trợ cho môn thể thao này của WB đã bị đặt dấu hỏi: Liệu săn thú có phải là cách tốt nhất để cứu các loài động vật đang đứng bên bờ diệt chủng?

Voi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Niassa của Mozambique (Ảnh: Kristel Richard, Corbis)
Voi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Niassa của Mozambique (Ảnh: Kristel Richard, Corbis)

Cuối năm 2014, WB đã tài trợ 46 triệu USD cho Mozambique – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – để phát triển du lịch và xóa đói giảm nghèo, trong đó 700.000 USD được dành riêng cho môn thể thao săn voi và sư tử. Trong khi đó, nạn săn trộm voi lấy ngà phục vụ thị trường chợ đen tại Châu Á khiến số lượng voi ở Mozambique tụt dốc thê thảm. Theo khảo sát của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), trong khoảng thời gian 2009-2014, số lượng voi đã giảm từ khoảng 20.000 xuống chỉ còn 10.300 cá thể.

Bị săn trộm lấy ngà và thịt, con voi cái đang mang thai đã chết ngay sau khi bị đánh bẫy (Ảnh: Peter Johnson, Corbis)
Bị săn trộm lấy ngà và thịt, con voi cái đang mang thai đã chết ngay sau khi bị đánh bẫy (Ảnh: Peter Johnson, Corbis)

Mozambique và nhiều nước nghèo tại Châu Phi như Nam Phi, Namibia, Angola, Zimbabwe và Tanzania từ lâu đã coi thể thao săn bắn là một cách hỗ trợ tài chính cho hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, mặc dù trên thực tế loài tê giác ở Zimbabwe vẫn không thoát khỏi nạn tuyệt chủng vào năm 2013. Ngược lại, Botswana và Kenya đã ra quyết định cấm những cuộc săn thú quy mô lớn trước tình trạng suy giảm số lượng voi và động vật ở hai quốc gia này. Quan điểm coi săn bắn động vật là một chiến lược bảo tồn còn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo phát ngôn viên của WB, nếu có thể kiểm soát hợp lý và chia sẻ lợi ích với những cộng đồng trong và quanh khu vực vườn quốc gia, thể thao săn thú sẽ là một công cụ quan trọng giúp quản trị bền vững khu bảo tồn và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng lợi nhuận từ ngành thể thao săn thú không đủ tạo động lực cho các cộng đồng nghèo, đặc biệt trong bối cảnh tham nhũng ở một số quốc gia. Theo Quỹ Quốc tế cho Phúc lợi Động vật (IFAW), trước tình trạng săn bắn trái phép nghiêm trọng như hiện nay, những tổ chức như WB nên nhận thức rằng giết hại động vật là một hành động sai trái, phi đạo đức và không thể được coi là bảo tồn.

Biểu tình phản đối săn tê giác tại CLB Dallas Safari, Texas (Ảnh: Tony Guitierrez, AP)
Biểu tình phản đối săn tê giác tại CLB Dallas Safari, Texas (Ảnh: Tony Guitierrez, AP)

Sử dụng động vật hoang dã bền vững?

Với tài trợ từ Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Mozambique phát hành 80 giấy phép săn voi với đơn giá 11.000 USD, và 55-60 giấy phép săn sư tử với đơn giá 4.000 USD. Thế nhưng, cộng đồng quanh khu bảo tồn chỉ nhận được 20% lợi nhuận, phần còn lại chảy vào túi chính quyền Mozambique.

Ý tưởng sử dụng động vật hoang dã một cách bền vững đã được đề cập trong Công ước đa dạng sinh học – hiệp ước hướng tới phát trển các chiến lược quốc gia trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Theo đó, con người được phép thu lợi ích từ động vật với điều kiện không gây ảnh hưởng đến số lượng cá thể và nơi cư trú của chúng.

Vậy nhưng, một số nhà bảo tồn lại luận suy khái niệm “sử dụng bền vững” vào môn thể thao săn thú. Ví dụ điển hình là việc CLB Dallas Safari – nơi đấu giá giấy phép săn tê giác đen cực kì nguy cấp tại Namibia – vừa gia nhập Hiệp Hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Theo đó, 350.000 USD thu được từ người mua sẽ được chuyển thẳng đến một quỹ bảo tồn tại Nambia. Đây được coi là một cách thức tệ hại nhất cho phép hành động săn bắn núp dưới tiếng nói bảo tồn.

Một người đàn ông Trung Quốc bị bắt do vận chuyển ngà voi ra khỏi Mozambique (Ảnh: Thomas Mukhoya, Reuters/ Corbis)
Một người đàn ông Trung Quốc bị bắt do vận chuyển ngà voi ra khỏi Mozambique (Ảnh: Thomas Mukhoya, Reuters/ Corbis)

Nghi vấn về lợi nhuận

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO), 80% lợi nhuận hàng năm của ngành du lịch đến từ những hoạt động “không tiêu hao” như: dã ngoại, ngắm chim, leo núi, lặn biển và du lịch thám hiểm. Riêng ở Mozambique, lợi nhuận từ du lịch thám hiểm thiên nhiên hoang dã năm 2013 lên tới 3 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2012.

Mặc dù môn thể thao săn thú được cho rằng sẽ giúp tăng thêm nguồn thu từ du lịch kể trên, cho đến nay, vẫn chưa hề có một nghiên cứu toàn diện nào tính toán lợi nhuận và chứng minh ngành này có thể đem lại lợi ích rõ rệt cho những cộng đồng sống nơi đây. Và quan trọng hơn, bao nhiêu trong số tổng lợi ích sẽ đến được tận tay người dân địa phương sau khi đã qua tay chính quyền?

Chú voi đơn độc tại Khu bảo tồn Voi Maputo, Mozambique liệu sẽ là hình ảnh tương lai cho nhiều nơi trên khắp Châu lục đen? (Ảnh: Chris Johns)
Chú voi đơn độc tại Khu bảo tồn Voi Maputo, Mozambique liệu sẽ là hình ảnh tương lai cho nhiều nơi trên khắp Châu lục đen? (Ảnh: Chris Johns)

Quan điểm đang dần thay đổi

Tháng 4 năm 2014, Cơ quan Dịch vụ về cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS) đã thông báo tạm ngưng nhập khẩu voi bị bắn hạ trong trò săn thú từ Zimbabwe và Tanzania do lo ngại trước sự suy giảm đáng kể số lượng voi ở 2 quốc gia này. USFWS khẳng định trò săn thú ở Zimbabwe và Tanzania không bền vững và không đóng góp vào nỗ lực phục hồi số lượng các loài động vật.

Cùng lúc đó, Úc cũng đã ra lệnh cấm nhập khẩu xác sư tử, trong khi Liên minh Châu Âu EU vừa ban bố thêm lệnh cấm nghiêm ngặt hơn đối với nhập khẩu một số loại thú lớn. Gần đây, hàng loạt hãng hàng không và doanh nghiệp vận chuyển quốc tế, bao gồm South African Airways và Air Emirates, Air France, KLM, Singapore Airways, Quantas, Lufthansa Cargo, British Airways và Iberia Airlines đã lần lượt tuyên bố không vận chuyển xác hổ, voi, tê giác và nhiều loại động vật lớn khác.

Khi nhận định giá trị lớn nhất của một loài sinh vật là những cái xác chiến lợi phẩm hay các bộ phận của chúng, thì việc bảo vệ giống loài ấy khỏi các tay săn trộm là điều không thể, ông Jeffrey Flocken, Giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Tổ chức IFAW khẳng định.