Cởi bỏ hoài nghi về FLEGT

ThienNhien.Net – Không ít ý kiến lâu nay vẫn nghi ngại về Kế hoạch hành động thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT) mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra, rằng FLEGT thực chất chỉ là bản cộng gộp các rào cản thương mại nhằm gây trở ngại cho hoạt động xuất nhập gỗ tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, với những lợi ích thiết thực mà FLEGT mang lại, và với những thông tin được chia sẻ cởi mở tại hội nghị tham vấn đầu tiên về FLEGT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây, nhiều hoài nghi về FLEGT đã dần được cởi bỏ. Công cụ này dường như ngày càng khẳng định được vai trò trong việc tạo ra một sân chơi thương mại lành mạnh, công bằng, bền vững, góp phần giải quyết nạn khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Thị trường gỗ bất hợp pháp ít nhiều sẽ bị thắt chặt một khi FLEGT được thực thi (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Khó trước mắt

Không thể phủ nhận những lợi ích mà FLEGT mang lại nhưng việc thực thi công cụ này cũng đặt ra không ít thách thức cho hoạt động xuất nhập gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đơn giản bởi EU hiện là thị trường nhập gỗ lớn thứ hai của nước ta, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, chỉ đứng sau Mĩ (45%), do đó việc đứng ngoài FLEGT đồng nghĩa với việc nhiều lợi ích thương mại sẽ bị gạt bỏ, và khả năng tiếp cận thị trường EU gồm 27 quốc gia thành viên ắt hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Đó là chưa kể tới phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ hiện nay đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khả năng đáp ứng và thích nghi với FLEGT là điều khó khả thi. Số phận của gần 300.000 lao động trong ngành gỗ khi đó cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù EU đã đưa ra cam kết về việc hỗ trợ các doanh nghiệp và quốc gia áp dụng FLEGT nhưng với những doanh nghiệp nhỏ, họ khó có thể vươn tới các quy định về gỗ hợp pháp như dự kiến.

Điểm thứ ba cũng là điểm khó khăn bội phần khi Việt Nam tiếp tục là quốc gia phụ thuộc vào nguồn gỗ ngoại. 80% nguyên liệu gỗ của chúng ta hiện nay là nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ các thị trường lân cận như Campuchia, Malaysia…, vì thế việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ là vô cùng phức tạp. Càng khó hơn khi chuỗi cung gỗ trong nước đa dạng và tồn tại không ít điểm trung chuyển gỗ nhỏ lẻ.

Những bất lợi kể trên tất yếu khiến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu bị rủi ro cao trước những thay đổi của thị trường nếu chính phủ không có biện pháp kiểm soát về nguồn gốc gỗ. Bà Giuliana Torta, công tác tại Bộ phận Hiệp định và Thương mại quốc tế, Ủy ban châu Âu đã xác nhận điều này. Bà cho rằng, giải pháp cần thiết để tháo gỡ vấn đề là Việt Nam và EU cần sớm xây dựng một lộ trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với những nội dung cam kết thực sự hữu hiệu.

… Lợi lâu dài

FLEGT là từ viết tắt của cụm từ “Forest Law Enforcement, Governance and Trade”, nghĩa là “Tăng cường thc thi lut lâm nghip, qun tr rng và buôn bán g. Kế hoạch Hành động FLEGT bao gồm một chương trình các hoạt động của của EU nhằm đối phó với vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ liên quan. Năm 2003, Kế hoạch này đã được EU thông qua và dự kiến có hiệu lực vào ngày 3/3/2013.

Một trong những nội dung quan trọng của FLEGT cần nhấn mạnh là VPA. VPA là hiệp định song phương giữa EU với các quốc gia xuất khẩu gỗ vào thị trường này. Tuy mang tính tự nguyện nhưng khi ký VPA thì phía EU và các đối tác sẽ phải cùng thực hiện những mục tiêu của FLEGT và thực thi cơ chế cấp giấy phép gỗ hợp pháp.

Hiện EU đã ký VPA với Công-gô, Ghana, Malaysia, Ca-mơ-run và đang trong tiến trình đàm phán với Indonesia, Liberia, Gabon…

Tại Việt Nam, vào tháng 7/2010, Việt Nam và EU đã tuyên bố khởi động đàm phán chính thức về VPA. Tháng 8/2010, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành đàm phán VPA với mục tiêu phải đạt được thỏa thuận vào cuối 2012.

Những ái ngại về FLEGT/VPA hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà đã và đang xuất hiện tương tự tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia đã ký cam kết VPA với EU. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thấy những điểm mất mà e ngại hoặc phủ nhận điểm được thì e rằng ngành gỗ Việt Nam khó có thể đi theo xu hướng phát triển bền vững.

Chúng ta lo ngại về việc khó kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập, lo ngại các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể thích ứng nhưng đổi lại, với FLEGT, chúng ta có thể từng bước mở rộng thị trường gỗ tại EU, Mỹ, Nhật Bản…, những thị trường vốn dĩ rất khó tính, và có thể nâng cao hình ảnh quốc gia cũng như thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới.

Nạn phá rừng và hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp cũng sẽ được thắt chặt một khi FLEGT được thực thi. Đây là điều rất cần cho Việt Nam bởi hàng loạt cánh rừng của ta hiện đang bị tỉa thưa và tàn phá với mức độ khủng khiếp. Tham gia FLEGT sẽ là biện pháp giúp giảm lượng khai thác, cung ứng gỗ lậu, đồng thời kích thích các chương trình, dự án trồng rừng hợp pháp, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động.

Đặc biệt, việc tham gia FLEGT còn góp phần củng cố ngành lâm nghiệp/thương mại gỗ trong nước thông qua quá trình cải cách thể chế và thực thi lâm luật, giúp giảm nguy cơ xảy ra tham nhũng, tăng ngân sách để thực hiện các luật về rừng, góp phần quản lý rừng bền vững, thực hiện các sáng kiến quốc tế về biến đổi khí hậu (REDD+)…

Chia sẻ với báo giới về những băn khoăn rằng liệu doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được trước “rào cản” FLEGT, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Không phải bây giờ chúng ta mới nhận thấy sự biến đổi của thị trường theo hướng quản lý bền vững mà từ tháng 4/2010 chúng ta đã phải thích ứng với Đạo luật Lacey của Hoa kỳ. Chúng ta cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội thảo với các doanh nghiệp để đưa ra kế hoạch hành động thích ứng với các đạo luật đó. Cho đến nay, lượng gỗ chúng ta xuất khẩu vào Hoa Kỳ và EU vẫn tiếp tục tăng và hiện chưa có doanh nghiệp nào của ta bị phía bạn phát hiện vi phạm pháp luật của nước họ. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp của ta rất năng động, thích ứng rất nhanh, và về cơ bản có thể đáp ứng được nguồn cung gỗ hợp pháp”.

Với những ích lợi nêu trên, có lẽ sẽ không quá nếu nói rằng FLEGT vừa  là công cụ, vừa là cơ hội để chúng ta nhìn lại những lỗ hổng trong khai thác gỗ bất hợp pháp. Nói cách khác, thị trường gỗ bất hợp pháp sẽ tự phải điều tiết theo hướng thoái lui để nhường đường cho thị trường gỗ hợp pháp. Kiểu làm ăn nhỏ lẻ, mánh khóe cũng tất yếu bị thu hẹp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn “đường đường chính chính” phát triển. Tất nhiên, lộ trình áp dụng FLEGT cần một lượng thời gian vừa đủ để các doanh nghiệp có thể kịp thích ứng và chủ động tham gia.

Kế hoạch thích ứng của Việt Nam

Trước sự ảnh hưởng của các quy định quốc tế đến hoạt động xuất nhập gỗ của Việt Nam, cụ thể là Đạo Luật Lacey (hiệu lực từ tháng 4/2010) và Kế hoạch FLEGT (hiệu lực vào tháng 3/2013), Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp xây dựng Kế hoạch thích ứng với những quy định mới của thị trường EU và Hoa Kỳ một cách toàn diện.

Nội dung kế hoạch bao gồm các nhóm hoạt động: tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực thi pháp luật; thúc đẩy quá trình cấp chứng chỉ rừng; và đàm phán với EU về VPA.

Theo bà Nguyễn Tường Vân, Chánh văn phòng FLEGT và Lacey, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, yêu cầu nâng cao nhận thức về FLEGT và VPA là rất quan trọng vì “có hiểu đúng thì mới làm đúng”. Một khi các đơn vị còn cảm thấy mơ hồ về hai khái niệm trên thì cuộc đàm phán sau cùng sẽ không thể đi đến thành công. Đó cũng là động lực và lí do thôi thúc Bộ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, khóa tập huấn… nhằm làm sáng tỏ mọi băn khoăn về FLEGT/VPA, giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các tổ chức dân sự có cái nhìn đúng đắn và thiện chí về công cụ này.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cũng không thể xem nhẹ bởi nếu luật không chặt và việc thực thi luật không nghiêm thì FLEGT vô tình lại trở thành điều kiện tiếp tay cho nạn tham nhũng thông qua cơ chế “xin – cho”.

Theo bà Vân, trong hai năm tới, chúng ta cần xây dựng Khung pháp lý về định nghĩa tính hợp pháp của gỗ cho phù hợp với quy định và nguyên tắc của EU hay ASEAN. Căn cứ vào đó, một số văn bản quy phạm pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới. Theo đúng tinh thần này, ngày 20/5 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 35/2011 về Hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ thay thế cho Quyết định 40/2005 về ban hành Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác. Hiện Quyết định 59/2005 về trình tự kiểm tra, kiểm soát và thủ tục vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản cũng đang được sửa đổi cho phù hợp với quy định quốc tế về tính hợp pháp của gỗ.

Song song với hai nhiệm vụ trên, Bộ cũng đang tích cực thúc đẩy tiến trình cấp chứng chỉ rừng và hoàn thiện các thủ tục cho việc đàm phán VPA. Được biết, tại phiên đàm phán lần thứ nhất diễn ra vào hai ngày 28- 29/11/2010, Việt Nam và EU đã thống nhất nội dung đàm phán VPA chủ yếu gồm các vấn đề: quy định gỗ khai thác trong nước hợp pháp; gỗ nhập khẩu hợp pháp; hệ thống xác minh gỗ hợp pháp và kiểm soát chuỗi cung; cấp phép FLEGT; và cơ chế giám sát độc lập.