“Khát” ở đầu nguồn sông Năng

ThienNhien.Net – Bây giờ mới bước sang tháng 3 âm lịch. Ba Bể đang bị hạn hán nặng nên không ít sông, suối đã dần cạn. Dòng nước sông Năng đục ngầu, nặng nhọc chảy, hờ hững với nỗi lo của bao kẻ sinh sống ven bờ.

Thời gian gần đây sông Năng đoạn qua thị trấn Chợ Rã (Ba Bể - Bắc Kạn) lúc nào cũng đỏ ngầu bùn đất, một phần không nhỏ do khai thác vàng ở phía thượng nguồn.

Đầu bản Nà Niếng thuộc xã Bành Trạch (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đoạn có con suối chảy từ xã Hà Hiệu đổ vào Sông Năng khi chúng tôi đi qua thấy gần chục chiếc xe máy dựng sát bờ. Nước sông ở đây khá hơn và đỡ đục so với đoạn chảy qua thị trấn Chợ Rã. Một nhóm phụ nữ đang hối hả vò, giũ hàng đống quần áo, chăn màn, như thể họ cố tình để dành từ lâu lắm cho buổi giặt hôm nay. Chúng tôi hỏi thì được biết các chị đến từ bản Nà Dụ, cách đây khoảng 2 cây số, vì thiếu nước nên phải dùng xe máy chở đồ đến đây để giặt giũ.

Dừng chân ở Nà Dụ, chúng tôi gặp chị Cống Thị Nương, và chồng, anh Trương Văn Huyền đã sống ở đây trên 20 năm. Anh chị cho biết dù chỉ sống cách Sông Năng chừng 30m nhưng hơn một năm nay người dân bản không có đủ nước dùng cho sinh hoạt, chưa nói đến nước tưới tắm cho ruộng vườn. Bà con từ xưa vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nước sông, không có nguồn nước nào khác để thay thế, nay sông cạn và bẩn quá nỗi, chẳng biết kêu ai, đành sang bản khác dùng nhờ nguồn nước.

Vỗ nhẹ vào lưng trâu, chị Nương than thở: “Chú ạ, đến như con trâu, con bò chỉ cần lội xuống qua sông một lúc khi lên bờ, chân ướt đến đâu, bùn đỏ bám chặt đến đấy. Nếu có lấy nước tưới rau thì lá rau đóng cả mảng đất”.

Đến thời điểm này các loài cá thường xuất hiện ở sông Năng gần như đã biến mất, chài lưới mới dùng một lần đã đỏ quạch.

Anh Lý Văn Phú, sinh ra và lớn lên ở Nà Dụ, bùi ngùi chia sẻ: “Đàn ông ở Nà Dụ quanh năm, ngày tháng đi đâu cũng đeo theo cái túi vải chàm trong đó có cái chài, cái lưới, cái giỏ, giờ thì vứt hết. Quăng chài cả ngày, bại hết tay mà kiếm con cá cũng khó. Lâu lâu, thấy cá nổi lên thở bắt được vài ba con cũng chẳng dám ăn vì con nào cũng tróc hết vẩy, da lấm tấm đỏ, cũng có khi chúng bị nhiễm độc gì đó mà các bãi vàng họ thải ra.”

Trưởng thôn Nguyễn Văn Pảo lo lắng bảo: “Hai bản Nà Dụ, Pác Pỉn ở gần nhau, cùng nằm ven con sông Năng. Mỗi bản có khoảng 50 hộ dân, 200 con trâu bò và cả hai đều đang phải chịu khổ vì nước. Các gia đình đều phải cắt cử một người chuyên lo kiếm nước sinh hoạt cho cả nhà. Nay không nhà nào đánh được cá, không nuôi được gà vịt, cũng không trồng được rau, trâu bò thì yếu dần. Cứ thế này thì tỷ lệ hộ nghèo thế nào cũng sẽ tăng.”

Ông Ma Văn My, chủ tịch UBND xã Bành Trạch cho biết xã đã báo cáo lên huyện rất nhiều lần về hiện tượng cạn và ô nhiễm nước sông Năng nhưng đến giờ bà con mòn mỏi chờ mà vẫn chưa thấy cơ quan nào đến kiểm tra và hỗ trợ địa phương.