Dự án đè dự án (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Không chỉ riêng huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mà dọc bờ biển miền Trung, nơi nào có quặng titan cũng bị khai thác bừa bãi, bất chấp những quy định của Luật Khoáng sản. Từ năm 2007 đến nay, sau khi khai thác lần 1, các trảng cát lại bị đào lên lộn xuống nhiều lần với độ sâu hơn chục mét để “mót” lại titan. Xứ cát đang đứng trước nguy cơ bị sa mạc hoá trầm trọng.

Kỳ 1: Siêu dự án và những túp lều nát trên cát

Kỳ 2: Người dân xứ cát trong “cơn lốc” titan

Tận thu từng lạng quặng

Dự án khai thác titan được triển khai tại các xã Cẩm Hòa, Cẩm Long (huyện Cẩm Xuyên) và các xã Thạch Hội, Thạch Trị (huyện Thạch Hà) của tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1997. Vùng mỏ quặng titan ở Hà Tĩnh có trữ lượng rất lớn, nằm dọc theo Quốc lộ 1A (cách chừng từ 10-15 km) và dọc bờ biển. Vì vậy, Tổng Công ty thương mại và khoáng sản Hà Tĩnh (MITRACO Hà Tĩnh) trở thành nhà sản xuất sa khoáng titan lớn nhất trong nước. Năm 2002, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với Công ty Dupont Mỹ và xuất khẩu đợt tinh quặng ilmenit đầu tiên sang Mỹ. Hiện MITRACO đang đầu tư một nhà máy nghiền ziricon siêu mịn với công suất 6.000 tấn/năm.

 
Giàn khai thác titan.

Trước đây, khi tỉ lệ khai thác ti-tan ở mức 2% (20 kg titan/tấn cát) thì doanh nghiệp khai thác đóng cửa mỏ nhưng bây giờ titan được tận thu dưới 0,5% (5 kg titan/tấn cát). Vì thế, dù đã khai thác xong, thậm chí đã trồng cây để hoàn thổ, vùng cát vẫn bị xới tung lên để “mót” lại, tận thu từng lạng titan còn sót lại trong cát. Ngay cả bãi biển Thiên Cầm tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – một bãi biển đẹp được ví như cây đàn trời nay cũng bị hứng mình trong dòng chảy “mót quặng”.

Các giàn vít xoắn khai thác titan là công nghệ khai thác mới của Việt Nam do Viện Khoa học vật liệu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sáng chế. Sản phẩm này đã đoạt giải nhì – Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam – VIFOTECH năm 2002 và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.

Sự xuất hiện loại máy đó của Viện khoa học vật liệu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được coi như một cuộc cách mạng trong công nghệ chế biến sa khoáng titan. Chỉ trong vòng 5 năm đã có tới 65 máy với công suất 2,5 tấn/giờ được tung ra thị trường. Trong đó, MITRACO tiêu thụ 21 máy và Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định tiêu thụ 12 máy để thay đổi hoàn toàn công nghệ. Nhưng sự hiện đại của loại máy này đã “giúp” tàn phá môi trường dữ dội hơn, cát bị đào lên lộn xuống ở độ sâu trên 10 m chất lại thành những đồi cát lớn.

 
Xe công nông vẫn ngang nhiên hoạt động phục vụ cho dự án khai thác titan.

Mới 9 giờ sáng, cát đã nóng bỏng. Tại một điểm tận thu titan thuộc xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, chúng tôi thấy 5 giàn máy của MITRACO Hà Tĩnh đang hoạt động. Gần đó, quặng đã khai thác được chất đống. Xe công nông mặc dù đã bị cấm nhưng vẫn được sử dụng để chuyên chở các vật dụng cho giàn khai thác, chở người đi về bởi đi bộ trên cát nóng bỏng không phải là điều dễ dàng gì đối với người không phải dân vùng cát.

Anh Nguyễn Văn Đường – nông dân ở xã Thạch Văn chỉ vào những đụn, đồi cát cao ngất xung quanh nhà mình nói: “Vùng đất này nổi tiếng về bão lũ, gió lốc nhưng thiên tai chưa bao giờ dồn cát ở vùng này thành gò. “Cơn lốc” titan do con người gây ra dữ dội hơn. San bằng những núi cát này không dễ dàng gì, đã thế cát bị lộn lên, lộn xuống không có chất màu, phải cải tạo nhiều năm mới trồng cấy được”.

Hậu “cơn lốc” titan

 
Sản phẩm quặng titan sau khi khai thác.

Tháng 07/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng titan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến 2025. Theo đó, trữ lượng quặng titan Việt Nam, bao gồm quặng sa khoáng và quặng gốc đã xác định và dự báo khoảng 34,5 triệu tấn. Đi kèm quặng sa khoáng titan còn có quặng zircon với trữ lượng khoảng 3,6 triệu tấn. Khu vực hoạt động được Chính phủ phê duyệt bao gồm các vùng: Thái Nguyên, Thanh Hóa – Hà Tĩnh, Quảng Trị – Thừa Thiên -Huế, Bình Định – Phú Yên, Bình Thuận – Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong số đó có 8 khu vực đã có dự án đầu tư thăm dò với tổng vốn giai đoạn 2007 – 2010 là 64 tỉ đồng. Quyết định nhấn mạnh: đảm bảo thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên titan tiết kiệm, có hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản titan. Khai thác, chế biến quặng titan một cách đồng bộ đến chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu, giảm dần và dừng xuất khẩu quặng tinh vào thời gian thích hợp và gần nhất.

Thế nhưng, không chỉ riêng Hà Tĩnh mà các điểm khai thác titan khác trên toàn quốc, đất đai sau khi bị cày nát không những không được xử lý bùn thải, hoàn thổ trở lại trạng thái sinh cảnh và môi trường ban đầu, mà còn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Nguyên tố titan tuy chiếm tỷ lệ cao trong vỏ trái đất (0,6%), nhiều hơn gấp 6 lần carbon (0,1%) nhưng việc tách nó ra khỏi các hợp chất rất khó nên titan vẫn là kim loại hiếm. Titan có những ưu việt mà không kim loại nào có: nhẹ, chịu nhiệt, ít ăn mòn hóa học, độ cứng cao nhưng vẫn giữ độ dẻo khá. Những chi tiết, thiết bị chế tạo bằng titan đáp ứng mọi yêu cầu trong công nghiệp dân dụng lẫn công nghiệp hàng không, vũ trụ và công nghiệp quân sự.

Ilmenit (FeTiO3) là khoáng chất chứa titan và là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bột màu TiO2. Khoáng chất này rất có giá trị do hàm lượng titan cao của chúng. Ilmenit bậc thương mại thường chứa 45 – 65% TiO2.

Ilmenit là khoáng chất chứa titan phổ biến nhất trên Trái đất. Phần lớn các mỏ ilmenit trên thế giới được phát hiện tại các vùng bờ biển ở Úc, Nam Phi, Ấn Độ, Braxin, Mađagasca và Mỹ.

Anh Đường cho biết gia đình anh có gần 10 sào đất, dự án titan lấy 3 sào, mỗi sào bồi thường 700 nghìn đồng bằng 2,1 triệu đồng. Số tiền này mua được 1 chiếc ti vi. Gần 7 sào đất còn lại có 6 sào là đất khai hoang phục hóa mấy chục năm rồi, còn 7 thước là do nhà nước cấp. Dự án titan đào đất nhà anh từ năm 2002, năm 2007 lại đào lại. Đào xong thì rút đi, để nguyên cát đống lớn, đống bé. Khu vực khác hoàn thổ xong, trồng được mấy cây phi lao loe ngoe, cây chưa kịp sống đã lại đào lên.

Đi dọc con đường 19-5, chỉ thấy cát trắng một màu. Những ngày này, người dân ở Thạch Hà đang thu hoạch lạc. Dây lạc tươi phơi dưới cái nắng ran rát chỉ một ngày là khô. Chị Hồ Thị Hương ở xã Thạch Văn cho biết: “Hiện nay bà con chúng tôi chủ yếu trồng giống lạc L14 cho năng suất cao, rất thích hợp trồng trên cát. Nếu cát tốt năng suất 1,2 tạ/ sào, nhưng từ năm 2001-2002, hồ tôm, titan làm mất nguồn nước ngầm, cát nhiễm mặn, thiếu nước nên năng suất lạc chỉ còn một nửa”.

Nông thôn hiện nay, cứ đến ngày mùa, người dân trong vùng cũng như thị thành lân cận khổ vì nạn đốt rơm, rạ ngoài đồng. Nhưng ở xứ cát, nhà nào cũng có cây rơm. Nhưng đó là rơm mua vì nơi này lấy đâu ra đất mà cấy cầy. Mỗi một xe rơm như vậy mua với giá 350 nghìn đồng. Rơm mua về để cải tạo cát, trồng cây. Trồng được cây lạc, cây khoai trên vùng đất chỉ có cát nhọc nhằn lắm.