Cơn khát lục địa đen

ThienNhien.Net – Dễ dàng chiếm dụng đất giá rẻ và tiếp cận nguồn nước dồi dào đang trở thành thứ nam châm thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào châu Phi lập đồn điền cây công nghiệp. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống sông ngòi, tưới tiêu, gieo “cơn khát” ngày càng trầm trọng trên khắp lục địa đen. Đây là một trong những cảnh báo từ nghiên cứu mới công bố do Viện Oakland, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, phối hợp với Viện Polaris (Canada) thực hiện.

Chiếm đất đồng nghĩa với chiếm nước

Không chỉ chiếm dụng được đất với giá rẻ mạt, các nhà đầu tư sẽ nghiễm nhiên có quyền khai thác, tận dụng nguồn nước từ hệ thống các sông, hồ lớn trong vùng khi ký hợp đồng thuê hoặc mua đất ở châu Phi. Phía doanh nghiệp thừa nhận đất chỉ có giá trị khi nó hội đủ mọi điều kiện thuận lợi, giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn nước.

Xét về phân phối lợi ích và rủi ro có thể thấy tiền sẽ chủ yếu chảy vào túi các doanh nghiệp, còn hệ lụy tiêu cực sẽ là sự phá hủy tài nguyên, môi trường. Và không ai khác, nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là những người dân sở tại, họ vốn đã bị chiếm dụng đất, đồng thời cũng là nhóm yếu thế không có tiếng nói trong xã hội.

Ở Tanzania, dự án nhiên liệu sinh học do Công ty EcoEnergy của Thụy Điển đầu tư đã biến một vùng rộng lớn 20.000ha đất thành đồn điền trồng mía. Kể từ khi mọc lên các đồn điền mía, chất lượng nước mặt và nước ngầm của lưu vực sông Wami đã giảm đi trông thấy.

Cũng ở Tanzania, Công ty Sun Biofuels của Anh đã triển khai một dự án phát triển đại trà cây cọc rào (jatropha) cung cấp nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học. Đã có những tố cáo dự án này gây nên hiện tượng khan hiếm nước trong vùng, song Sun Biofuels một mực phủ nhận và khăng khăng cho rằng trước khi xuất hiện các cánh đồng cây cọc rào, cũng chỉ có 2 trong số 96 nguồn nước trong khu vực đủ sạch và có thể sử dụng được.

“Cơn khát” hoành hành trên nhiều cánh đồng của châu Phi (Ảnh minh họa: Manufacturingdigital.com)

Báo cáo nêu trên cho biết, tại một số nước châu Phi khác như Mali, Ethiopia…, các dự án chiếm dụng đất cũng tác động đáng kể tới khối lượng và chất lượng của các nguồn nước lớn như các con sông Niger, Omo, Nile và hồ Turkana, để lại “cơn khát” trầm trọng trên những cánh đồng trồng lương thực, ngũ cốc của nông dân châu Phi và cơn khát trên chính những đồn điền rộng lớn do các doanh nghiệp, công ty nước ngoài đầu tư canh tác.

Viện Oakland ước tính nếu toàn bộ diện tích 40 triệu héc-ta đất đai châu Phi được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong năm 2009 được đưa vào canh tác cây công nghiệp, mỗi năm sẽ có khoảng 300 đến 500 tỷ mét khối nước được khai thác cho tưới tiêu. Con số này gấp đôi lượng nước đã khai thác trên toàn bộ châu Phi vào năm 2005.

Một cảnh báo khác cũng không kém quan trọng, rằng nếu tốc độ tích tụ đất đai để phát triển cây công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì như năm 2009, nhu cầu nước chỉ tính riêng cho những vùng đất mới bị chiếm dụng cũng đã vượt quá lượng nước tuần hoàn của cả châu lục này vào thời điểm 2019.

Trường hợp sông Niger

Với chiều dài 4.180km, chảy qua 5 nước Guinea, Mali, Niger, Benin và Nigeria trước khi đổ ra Đại Tây Dương, từ lâu, sông Niger đã trở thành nguồn sống của hàng triệu người dân châu Phi cư trú dọc hai bên bờ. Thế nhưng, những hợp đồng cho thuê, mua bán đất đai thời gian gần đây đang dần vắt kiệt nguồn sống ấy, bóp nghẹt sinh kế căn cơ của nhiều cộng đồng cư dân địa phương.

Ở Mali, các thỏa thuận đất đai lớn đều tập trung vào vùng châu thổ sông Niger thuộc Khu vực bán tự trị Office du Niger. Thống kê của Viện Oakland cho biết Chính phủ Mali đã trao quyền đặc nhượng 544.567ha đất cho các nhà đầu tư lớn. Nếu toàn bộ diện tích này được đưa vào phát triển cây công nghiệp, mỗi năm người ta sẽ lấy đi của sông Niger khoảng 3,18 đến 5,47 tỷ mét khối nước phục vụ tưới tiêu, gấp đôi lượng nước đã sử dụng cho hoạt động nông nghiệp tại Mali trong năm 2000, theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO). Đặc biệt, kế hoạch tăng diện tích đất tưới tiêu dọc hai bờ sông Niger từ 100.000ha lên 1 – 2 triệu héc-ta mà Chính phủ Mali công bố năm 2009 càng làm gia tăng quan ngại về nguy cơ khai thác kiệt tài nguyên nước sông Niger. Nếu lấy con số khiêm tốn trong kế hoạch này, nghĩa là diện tích tưới tiêu của Mali tăng lên 1 triệu héc-ta, sẽ có khoảng 7,5 đến 12,91 tỷ mét khối nước bị chuyển ra khỏi sông Niger, con sông vốn đã bị suy giảm khoảng 30% lưu lượng trong ba thập kỷ qua.

Bất chấp những nguy cơ này, Khu bán tự trị Office du Niger vẫn tiếp tục ký kết các hợp đồng cho thuê đất gắn với việc cho phép khai thác nước sông Niger phục vụ tưới tiêu với giá rẻ bèo. Đáng kể đến là việc cho một doanh nghiệp công – tư hợp doanh Moulin Moderne du Mali thuê 20.000ha đất ngay bên bờ sông Niger. Mặc dù chính quyền khu bán tự trị có khuyến khích việc tiết kiệm nước trong mùa khô, song mức phí tưới tiêu 5 USD/ha đất trong một năm chẳng có gì đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ không khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý này.

Cách Mali không xa, Chính phủ Libya ký kết một thỏa thuận cho Tập đoàn Malibya thuê dài hạn 100.000ha đất để canh tác nông nghiệp. Tuy phí tài nguyên nước có được đề cập, song mù mờ, trong khi Malibya vạch một kế hoạch rất rõ ràng xây dựng một kênh tưới tiêu chạy dài 40km, lưu lượng dòng chảy tối thiểu 4 tỷ mét khối/năm, lấy nguồn nước từ sông Niger. Các chuyên gia so sánh, lượng nước thất thoát khỏi sông Niger này có thể cung cấp cho khoảng 17 triệu cư dân Trung Quốc trong vòng 1 năm.

Cộng đồng địa phương sinh sống trong lưu vực hoàn toàn có căn cứ khi lo ngại họ sẽ bị tước đi quyền tiếp cận tài nguyên nước và những dịch vụ sinh thái gắn với nước, bởi trên thực tế việc xây dựng kênh dẫn nước của Malibya đã làm chết hàng loạt kênh đào dẫn nước nhỏ của người dân. Đằng sau những nỗi lo đó, còn cả một bức tranh về hệ sinh thái sông Niger đang suy thoái chưa được vén màn.

“Giải cơn khát” bằng quản lý bền vững nguồn nước

Báo cáo cho rằng việc các chính phủ và các tổ chức quốc tế ưu tiên phát triển vùng canh tác cây công nghiệp với những hệ thống tưới tiêu quy mô lớn tại châu Phi như hiện nay rõ ràng thể hiện tính thiếu bền vững. Trong khi đó, rất nhiều hệ thống quy mô nhỏ về tưới tiêu phi tập trung, thu gom và quản lý nước thải đang phát huy tác dụng ở nhiều nơi.

Điển hình là Dự án Tài nguyên Nước Zvishavane ở Zimbabue. Hệ thống thu gom và quản lý nước bền vững thuộc dự án này đã làm tăng sản lượng lương thực, cải thiện đáng kể nguồn thu thập, đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều cộng đồng địa phương.

Hay như ở Burkina Faso, việc áp dụng các kỹ thuật về bảo tồn đất và nước tại cộng đồng từ những năm 1980 đã làm tăng sản lượng kê và cao lương 50 – 60% so với trước. Tại vùng Timbuktu của Mali, người dân thiết lập hệ thống thâm canh lúa giúp sản lượng thu hoạch đạt 9 tấn/ha, trong khi vẫn tiết kiệm nước.

Ở Ghana, Kenya, Lesotho và nhiều quốc gia châu Phi khác cũng có những mô hình cấp cộng đồng hoạt động hiệu quả như vậy. Những dự án quy mô nhỏ này đem đến lợi ích nhiều mặt. Chúng mang lại hiệu suất cao và hiệu quả về kinh tế, giúp người dân phát huy sự chủ động và thích nghi, trong khi không đòi hỏi đầu tư lớn về tiền bạc, không tác động lớn tới môi trường tự nhiên và đặc biệt không buộc người dân phải di dời khỏi nơi ở của họ (như đối với các công trình đập và hồ chứa lớn).

Các mô hình tưới tiêu trên mới chỉ rải rác ở một phần lục địa đen. Do đó, việc hiện thực hóa mục tiêu quản lý bền vững hệ thống thủy lợi của châu Phi nhằm đảm bảo an ninh chính trị, an ninh con người sẽ còn là nỗ lực dài hạn của bản thân chính phủ các nước sở tại, cộng đồng địa phương cùng các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới.