Bẫy ảnh – công cụ đắc lực hỗ trợ bảo tồn

ThienNhien.Net – Vào những năm 1890, những bức ảnh đầu tiên về động vật hoang dã của nhiếp ảnh gia George Shiras đã được công bố trên Tạp chí National Geographic. Tuy nhiên, cho đến năm 1920, bẫy ảnh mới chính thức được sử dụng như một công cụ nghiên cứu khoa học khi nhà bảo tồn Frank M. Chapman dùng bẫy ảnh để nghiên cứu một số loài động vật trên đảo Barro Colorado, Panama. Dù vậy, thời gian này, bẫy ảnh vẫn chưa thực sự phổ biến trong giới bảo tồn do những trở ngại về công nghệ.

Mãi cho đến năm 1990, khi máy ảnh hồng ngoại ra đời, bẫy ảnh mới được giới bảo tồn sử dụng như một công cụ nghiên cứu phổ biến. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, bẫy ảnh ngày càng được sử dụng rộng rãi. Loại máy ảnh thường được sử dụng là máy ảnh kỹ thuật số tự động có kích thước nhỏ gọn và hoạt động theo nguyên tắc cảm biến nhiệt độ và sự chuyển động để ghi lại những hình ảnh động vật trong tự nhiên.

Loài mang lớn qua bẫy ảnh (Ảnh: zoologist.ru)

Bẫy ảnh đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã, cho phép các nhà khoa học thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật. Hơn nữa, bẫy ảnh còn lưu lại được nhiều hình ảnh đẹp đẽ và độc đáo về thiên nhiên hoang dã mà các nhà nhiếp ảnh khó có cơ hội chụp được.

Trong những năm qua, công cụ bẫy ảnh đã đóng góp cho giới bảo tồn rất nhiều phát hiện quan trọng như: khẳng định sự xuất hiện trở lại của loài báo Amur (Panthera pardus orientalis) sau 62 năm vắng bóng tại Trung Quốc; chứng minh loài tê giác quý hiếm nhất của thế giới – tê giác Java (Rhinoceros Sondaicus*) – sinh sản trong tự nhiên; tái phát hiện loài rái cá lông mũi (Lutra sumatrana) ở vùng Sabah của Malaysia; xác nhận sự tồn tại của chồn Gulo (Gulo gulo) ở California (1922); lần đầu tiên ghi hình được loài mèo lửa vịnh Borneo (Pardofelis badia); ghi nhận loài chó tai ngắn Atelocynus microtis cực kỳ hiếm đang săn mồi trong rừng Amazon; chứng minh loài cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) quý hiếm vẫn sinh sống trong tự nhiên ở Campuchia.

Bên cạnh đó, cũng nhờ bẫy ảnh mà chúng ta có được những bức ảnh quý giá đầu tiên về một số loài trong môi trường sống của chúng, chẳng hạn như loài báo săn Sahara (Acinonyx jubatus hecki) hay loài mang lớn (Muntiacus vuquangensis) ở Đông Nam Á.

Hình ảnh tê giác Java chụp được ở Việt Nam (Ảnh: WWF)

Hiệu quả của bẫy ảnh được chính thức khẳng định vào tháng 2/2011 khi Viện nghiên cứu Smithsonian (Hoa Kỳ) công bố 200.000 bức hình của các loài động vật chụp được bằng bẫy ảnh trên internet.

Hiện các nhà nghiên cứu đang sử dụng bẫy ảnh để ghi nhận sự có mặt, độ đa dạng và những dao động về quần thể các loài vào thời điểm mà diện tích rừng và không gian sống của các loài động vật trong tự nhiên đang dần bị thu hẹp. Chính nhờ bẫy ảnh mà các nhà nghiên cứu có được cơ sở để tính toán số lượng nhiều loài thú, chim – những con số trước đây vốn chỉ có thể ước lượng.

Góp phần nâng cao ý thức về bảo tồn của cộng đồng cũng là một trong những tác dụng không kém phần quan trọng của bẫy ảnh. Các tổ chức phi chính phủ đã sử dụng bẫy ảnh như một công cụ hữu ích để tác động tới nhận thức của công chúng bằng việc đăng tải các hình ảnh, video bẫy ảnh thu được trên Youtube, Internet và các trang mạng xã hội.

Các tổ chức quốc tế như Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cũng nhận định, bẫy ảnh là công cụ quan trọng trong các chiến dịch bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Điển hình là dự án bảo tồn “Eyes on Leuser” ở Sumatra, Indonesia. Các nhân viên dự án đã dùng bẫy ảnh để chụp và ghi hình các loài động vật hoang dã và những hiểm họa đe dọa tới tính đa dạng sinh học của rừng Leuser với mục đích giúp cộng đồng hiểu rừng quý báu và cần được bảo vệ như thế nào.

Tính tời thời điểm này, dự  án đã thu được những thước phim về đời sống của 27 loài động vật nơi đây, trong đó có các loài quý hiếm  như hổ Sumantra (Panthera tigris sumatrae), gà lôi Argus (Argusianus argus), cầy vằn nam (Hemigalus derbyanus).

"Bẫy" được hình ảnh Hổ Sumatra tại Bukit Tigapuluh, Indonesia (Ảnh:WWF)

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, bẫy ảnh cũng có một số nhược điểm về giới hạn góc chụp và chi phí sử dụng. Vì chỉ thu được hình ảnh trong một khoảng không gian hẹp nên bẫy ảnh rất dễ để mất dấu các loài động vật. Các nhà nghiên cứu đã phải khắc phục nhược điểm này bằng cách đặt đồng thời nhiều bẫy ảnh nhằm thu được những hình ảnh chính xác từ nhiều góc độ.

Chi phí sử dụng bẫy ảnh tất nhiên cũng không phải là vấn đề nhỏ, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Một chiếc máy ảnh có thể sử dụng làm bẫy ảnh thường có giá khá cao. Thêm nữa, máy ảnh cũng có thể bị vỡ khi bị các loài vật tấn công và trộm cắp máy ảnh cũng là một vẫn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, cho đến nay bẫy ảnh vẫn được ghi nhận và đánh giá là công cụ nghiên cứu hữu hiệu phục vụ đắc lực cho công tác bảo tồn.


Năm 2011, WWF khẳng định quần thể tê giác Java đã tuyệt chủng ở Việt Nam.