Thuế các-bon Trung Quốc: chính sách thực hay chiêu bài đối phó?

ThienNhien.Net – Tuyên bố công khai của Bộ Tài chính Trung Quốc trong thời điểm đón chào năm 2012 rằng sẽ sớm ban hành thuế các-bon áp dụng đối với những khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn trong nước đã trở thành chủ đề “đấu khẩu” trên mặt báo của các học giả. Trong một bài phân tích đăng trên tờ Wall Street chỉ một tuần sau thông cáo của Trung Quốc, học giả John Lee thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Hudson (Washington D.C.) kiêm trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế – CISS (Đại học Sydney) cho rằng, thực chất đây chỉ là một “màn kịch chính trị” của Bắc Kinh nhằm đối phó với sức ép dư luận quốc tế.

Học giả nước ngoài công kích “thuế các-bon” Trung Quốc

Với nghi vấn “Tại sao Trung Quốc lại công bố ý định ban hành thuế các-bon khi mà bản thân nền kinh tế nước này đang có nhiều rạn nứt?“, John Lee lập luận rằng, sở dĩ như vậy là vì các luồng chỉ trích quốc tế đối với Trung Quốc kể từ COP 15 (Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen – 2009) ngày càng gia tăng, Trung Quốc không thể kéo dài mãi sự phớt lờ nên buộc phải ra chiêu bài chống đỡ.

John Lee phân tích, mặc dù Trung Quốc khẳng định rất quan tâm đến biến đổi khí hậu, song mặt khác lại ra tuyên bố các giải pháp chống biến đổi khí hậu không được phép ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, và trong thời gian áp dụng thuế các-bon vẫn phải ưu tiên mục tiêu tăng trưởng. Việc áp biểu thuế phát thải đối với ngành hàng không Trung Quốc thua xa so với Liên minh Châu Âu (EU) cũng là minh chứng cho thấy quốc gia dẫn đầu về dân số thực sự không muốn đặt gánh nặng thuế lên các doanh nghiệp trong nước.

Giữa thuế các-bon và lộ trình thương mại hóa khí thải cắt giảm, Trung Quốc đã lựa chọn công cụ thứ nhất, nghĩa là chỉ tăng giá các-bon mà không đặt mục tiêu giảm lượng phát thải. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, đến năm 2030, 80% năng lượng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ, và lượng tiêu thụ than đá hàng năm vẫn tăng thêm khoảng 17%. Tuy nhiên, nếu vấp phải chỉ trích hay phê phán quốc tế thì giờ đây Trung Quốc đã có bình phong là “thuế các-bon”.

Ai chịu thuế các-bon? John Lee nhận xét, tuy chi tiết chưa được công bố nhưng rõ ràng thuế các-bon của Trung Quốc sẽ chỉ áp dụng cho các nhà phát thải lớn nhất, đó chính là các ngành sản xuất hàng xuất khẩu vốn chiếm từ 20 – 50% tổng lượng phát thải của nước này. Những ngành sản xuất này chủ yếu do nước ngoài đầu tư, sản phẩm cũng được tiêu thụ ở thị trường bên ngoài. Như vậy, gánh nặng thuế chủ yếu rơi vào những nhà đầu tư và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Một số tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước trong các ngành điện và xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng, song bù lại họ được bảo hộ thông qua nhiều hình thức khác nhau như trợ giá, ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuế… Hiện thời, mức thuế đề xuất 10 nhân dân tệ cho mỗi tấn các-bon là quá thấp, cũng không thể trông chờ vào lời hứa của Chính phủ Trung Quốc rằng mức thuế dần dần sẽ tăng theo thời gian.

Phản pháo của Trung Quốc

Ngay sau khi khai màn chỉ trích, những cáo buộc của John Lee lập tức được đáp trả bằng một bài báo dài gấp đôi đăng trên tờ Đối thoại Trung Hoa (Chinadialogue). Hai đồng tác giả của bài báo là Alvin Lin và Yang Fuqiang, một là giám đốc, một là cố vấn cao cấp về chính sách năng lượng và biến đổi khí hậu thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc (NRDC). Cả hai đều là thành viên Chương trình nghiên cứu thuế các-bon của Chính phủ Trung Quốc.

Theo Alvin Lin và Yang Fuqiang, trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2005-2010), Trung Quốc cũng đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện nhỏ, có tổng công suất phát điện 20 triệu KW (Ảnh minh họa: AFP)

Với nhiều diễn giải về thuế các-bon, hai tác giả nhấn mạnh thuế các-bon là công cụ dựa vào thị trường góp phần cắt giảm lượng phát thải CO2 và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét. Tuy các nước áp dụng có khác nhau nhưng đều chung mục tiêu cơ bản, hướng vào giảm phát thải, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tăng cường bảo toàn năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và đẩy mạnh các giải pháp xanh.

Ý định cho ra đời thuế các-bon của Trung Quốc là hoàn toàn nghiêm túc. Có điều, thuế các-bon của Trung Quốc sẽ mang những đặc điểm riêng, không giống với hình mẫu mà các nước phát triển đang triển khai.

Cũng theo Alvin Lin và Yang Fuqiang, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Trung Quốc đã xây dựng Khung Chương trình Hành động cấp quốc gia về Giảm thiểu Phù hợp (NAMA). Trong giai đoạn 2005 – 2010, giai đoạn thực thi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã cắt giảm được khoảng 1,5 tỷ tấn khí nhà kính, trở thành nước giảm phát thải nhiều nhất thế giới. “Song, chúng tôi đã không tung hô thành quả và những nỗ lực chính trị. Và có lẽ vì vậy khi Chính phủ Trung Quốc công bố công cụ mới liên quan đến giảm thải các-bon, John Lee đã quy kết rằng đó chỉ là màn kịch chính trị”.

Hai tác giả khẳng định, thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức khởi động các dự án thử nghiệm về thương mại các-bon tại 5 thành phố. Vì vậy, nhận định của John Lee cho rằng “Trung Quốc lựa chọn thuế các-bon chứ không phải thương mại các-bon” là sai. Các chương trình thương mại các-bon của Trung Quốc hiện đóng vai trò là bước đệm trước khi chuyển sang giai đoạn thuần thục khi đồng hành với thuế các-bon. Cả hai công cụ này có thể tồn tại đồng thời, tuy nhiên chừng nào giá các-bon trên thị trường đóng vai trò tín hiệu thông tin thị trường tốt hơn, rất có thể xã hội sẽ không cần đến thuế các-bon nữa.

Một mặt khẳng định “phát triển xanh, các-bon thấp là con đường tất yếu mà Trung Quốc sẽ phải đi”, mặt khác các tác giả mỉa mai so sánh: “Điều này khác với con đường “phá trước, khắc phục sau” của các nền kinh tế phát triển. Khi Trung Quốc quyết định đi trước nhiều nước phát triển, đề xuất thực thi thuế các-bon thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu một số nước phương Tây vốn đã thừa nhận rằng thực thi thuế các-bon sẽ phải đánh đổi những chi phí kinh tế nhất định, lại phân vân rằng tại sao Trung Quốc làm như vậy”.

Không thể phủ nhận trong thời kỳ đầu áp dụng, thuế các-bon sẽ gây ra những tốn kém, song về lâu dài, lợi ích thu được vẫn chiếm ưu thế. Mặc dù vậy, hai tác giả cho rằng, khi áp dụng chính sách thuế mới, Chính phủ nên gia hạn cho các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giúp họ kịp thích ứng và lấy lại vị thế cạnh tranh. Trong thời kỳ gia hạn này, có thể trích một phần ngân sách từ thuế các-bon để khuyến khích doanh nghiệp hoàn thành bước chuyển dịch. Điều này không giống với việc Chính phủ làm “giá đỡ” cho doanh nghiệp như trong bài viết của John Lee.

Những phân tích của John Lee cũng bị phê phán dựa trên những dữ liệu, con số không xác đáng, vì vậy những kết luận và chỉ trích không có tính thuyết phục. “Thuế các-bon dĩ nhiên sẽ nhắm vào các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải nhiều nhất. Tuy nhiên, trong danh sách 1.000 công ty tiêu thụ nhiều năng lượng của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 11 (2005 – 2010) và 10.000 công ty tiêu thụ nhiều năng lượng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015), có rất ít công ty nước ngoài. Vì vậy, khẳng định các công ty nước ngoài chiếm một phần lớn lợi nhuận xuất khẩu của Trung Quốc và sẽ gánh lấy thuế các-bon xét cho cùng chỉ là võ đoán”.