Góp ý định hướng xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

ThienNhien.Net – Ngày 12/07/2012, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và định hướng xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã góp phần giúp công tác bảo vệ môi trường ở nước ta có được những chuyển biến tích cực. Tuy vậy vẫn cần tổ chức đánh giá tác động của Luật Bảo vệ môi trường 2005 nhằm tìm ra những hạn chế, vướng mắc, không phù hợp với thực tế cuộc sống để tiến hành sửa đổi, từng bước hoàn thiện hơn nữa pháp luật về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Tổng cục Môi trường)

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trường Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhận xét Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nhiều vấn đề như tiêu chuẩn môi trường; đánh giá môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường… đã được các lực lượng chức năng, các địa phương quan tâm thực hiện. Song Luật Bảo vệ môi trường vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Cụ thể như về tiêu chuẩn môi trường còn thiếu quy chuẩn về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; việc đánh giá môi trường và cam kết bảo vệ môi trường vẫn còn mang tính hình thức cao, công tác hậu kiểm chưa nghiêm; công tác xã hội hóa, công khai hóa, dân chủ hóa hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai chậm…

Thạc sỹ Hoàng Minh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường cũng nêu lên những bất cập và hạn chế trong một số quy định cụ thể của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 như: tính thống nhất của một số khái niệm; nhiều quy định cần có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; nhiều quy định mang tính chung chung, gây khó khăn cho việc áp dụng và hướng dẫn áp dụng. Đặc biệt là còn bất cập trong các quy định về tiêu chuẩn môi trường; thẩm định và đánh giá tác động môi trường; quy định về quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học…

Các nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp ý kiến đề xuất định hướng sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 tập trung vào những nội dung như: cần xác định lại phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc của Luật Bảo vệ Môi trường để xác định được cấu trúc của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tránh được những chồng chéo, mẫu thuẫn giữa Luật Bảo vệ môi trường với các văn bản Luật khác; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định chi tiết, cụ thể hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn và nâng cao yêu cầu bảo vệ môi trường của các chủ thể liên quan; tập trung hóa và thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao vai trò của xã hội dân sự trong bảo vệ môi trường.