Định hướng đổi mới chính sách đất đai tại ĐBSCL

Dự thảo đề xuất cho phép tích tụ đất để có thể sản xuất nông nghiệp, thủy sản với quy mô lớn (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

ThienNhien –  Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách đặc thù để thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” xây dựng định hướng đổi mới chính sách đất đai theo hướng thu hẹp diện tích bắt buộc phải trồng lúa, thí điểm cho phép các địa phương trong vùng xóa bỏ chế độ hạn điền, cho phép tích tụ đất để có thể sản xuất nông nghiệp, thủy sản với quy mô lớn.

Đề xuất thí điểm cho phép xóa bỏ chế độ hạn điền

Để thực hiện được mục tiêu thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL nhằm nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng của vùng, dự thảo đề xuất 6 nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch; phát triển cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường; và xây dựng, thực hiện một số Đề án liên quan.

Cụ thể, dự thảo đề xuất đổi mới chính sách đất đai theo hướng thu hẹp diện tích bắt buộc phải trồng lúa, thí điểm cho phép các địa phương trong vùng xóa bỏ chế độ hạn điền, cho phép tích tụ đất để có thể sản xuất nông nghiệp, thủy sản với quy mô lớn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình hiện đại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Bên cạnh đó, dự án cũng đề xuất thí điểm kéo dài thời gian thuê đất sản xuất nông nghiệp, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, nhất là khi họ đưa công nghệ mới vào sản xuất ở những lĩnh vực này…

Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông

Dự thảo nêu yêu cầu tập trung cải thiện cơ bản mạng lưới giao thông đường bộ; ưu tiên đầu tư các tuyến đường bộ kết nối 4 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương khác và các cảng biển trong vùng, đồng thời cải tạo đường thủy nội địa phục vụ cho nông dân và các doanh nghiệp trong việc vận tải hàng hóa và vận tải hành khách; đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng, trước hết tập trung cho dự án luồng sông Hậu và xây dựng cảng Cần Thơ trở thành cảng trung tâm của vùng.

Xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng không, trước mắt là phát triển sân bay Cần Thơ trở thành sân bay quốc tế, tạo điều kiện để Cần Thơ sớm trở thành một trung tâm của vùng trong mối liên hệ với các địa phương trong nước và các quốc gia khác.

Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải với nhiều hình thức như BOT, BT, PPP… Cho phép các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng thời tạo dựng cơ chế giám sát quá trình này.

Từng bước hình thành thị trường nông sản kỳ hạn

Theo dự thảo, trong định hướng nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng ĐBSCL cũng cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và vốn đối với các dự án kho trữ nông sản, thủy sản và cây ăn quả. Sớm bố trí nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ cửa khẩu.

Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ việc sản xuất kinh doanh liên quan đến các sản phẩm chủ lực của Vùng và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận hệ thống thông tin này.

Nghiên cứu từng bước hình thành thị trường nông sản kỳ hạn (trong đó nông dân và doanh nghiệp ký thỏa thuận giá mua nông sản, cách thức thanh toán trước khi thu hoạch) nhằm chia sẻ rủi ro về giá cả và tạo điều kiện cho người dân chủ động về vốn cho thời vụ tiếp theo.

Ưu đãi thuế và tín dụng tập trung vào các sản phẩm chủ lực

Các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng cần tập trung sẽ tập trung hơn nữa vào một số lĩnh vực liên quan đến các sản phẩm chủ lực, tránh hiện tượng dàn trải.

Đối tượng thụ hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng và thuế bao gồm các doanh nghiệp và các dự án sau: 1- Các doanh nghiệp, dự án liên quan đến sản xuất và chế biến nông thủy sản; 2- Các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; 3- Các cơ sở dạy nghề; 4- Các dự án xây dựng kho trữ nông sản, thủy sản; 5- Các dự án chuyển giao công nghệ; 6- Các dự án phát triển du lịch trên cơ sở liên kết trong Vùng và với vùng khác; 7- Các dự án mở rộng sản xuất hoặc di dời đến Đồng bằng sông Cửu Long của các doanh nghiệp ở vùng khác; 8- Các dự án liên quan đến dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề phục vụ liên quan đến 4 sản phẩm chủ lực (lúa, thủy sản, cây ăn quả và du lịch).