Hóa giải thách thức môi trường bằng tôn giáo

ThienNhien.Net – Là người đi đầu trong nghiên cứu mối liên hệ giữa sinh thái học và tôn giáo, sử gia tôn giáo Mary Evelyn Tucker tin rằng chỉ riêng khoa học và chính sách thì không thể giải quyết những thách thức môi trường nổi cộm nhất mà con người đang phải đối mặt mà còn cần đến niềm tin tinh thần, niềm tin tôn giáo và sự thức tỉnh về lương tri, đạo đức. Đây cũng là thông điệp Mary Evelyn Tucker  gửi gắm qua bộ phim đồng sản xuất mang tên The journey of universe (Tạm dịch: Hành trình của vũ trụ) và qua một cuốn sách mà bà là đồng tác giả với nhà triết học Brian Swimme. Để hiểu thêm về thông điệp mà Mary Evelyn Tucker muốn nhắn gửi tới thế giới, xin giới thiệu tới quý độc giả những chia sẻ dưới đây của bà.

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì bộ phim The journey of universe rốt cuộc lại mang tính chất ca ngợi, tán dương, thể hiện sự lạc quan chứ không giống các tác phẩm văn học, điện ảnh khác về đề tài môi trường vốn tràn ngập những cảnh ảm đạm và chết chóc. Tại sao bà lại chọn hướng tiếp cận này?

Mary Evelyn Tucker: Hiện nay, rất nhiều người đã nhìn nhận ra những vấn đề môi trường nhức nhối và phức tạp mà nhân loại đang phải đối mặt: từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tới tuyệt chủng… Điều này khiến họ chịu áp lực quá lớn đến độ rơi vào tình trạng tê liệt và tuyệt vọng. Song đây không phải điều chúng tôi muốn hướng tới. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn qua bộ phim đánh thức cảm giác kinh ngạc của con người vì con người cũng rất dễ xúc động trong trạng thái tâm lý này.

The journey of universe tập trung diễn tả những hệ quả mà sự xuất hiện của loài người đã để lại cho Trái đất – sự bùng nổ dân số, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên… và những thước phim cuối cùng là về những tác động của loài người và cuộc khủng hoảng môi trường hiện đang diễn ra. Cách thể hiện ấy theo chúng tôi là có hiệu quả hơn bởi trước hết nó sẽ đem lại cho bạn cảm giác được khám phá thế giới 14 tỷ năm tuổi, chứng kiến quá trình phát triển của Trái đất và nhìn thấy cuộc sống dần hiện hữu qua một cuộc hành trình dài. Chúng tôi muốn người xem hiểu rằng loài người xuất hiện muộn màng như thế nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tác động của con người tới Trái đất lại vô cùng lớn.

 Bà vừa nhắc tới một số thách thức môi trường thế giới đang phải đối mặt. Bản thân bà nhìn nhận thế nào về giải pháp ứng phó với những thách thức mà bà xem như một phần của ý tưởng tổng thể về tôn giáo và mối liên hệ với sinh thái học? 

Tucker: Trọng tâm vấn đề chúng tôi cố gắng thể hiện là mặc dù trên thực tế cơ sở khoa học hết sức quan trọng và cần thiết bên cạnh chính sách và pháp luật, song có lẽ chúng vẫn chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường. Chúng ta còn cần tới những nguyên tắc và những cách nhìn thế giới khác, bao hàm cả tôn giáo. Chẳng hạn, nhắc tới vấn đề biến đổi khí hậu, nhiều tôn giáo trên thế giới đã đưa ra những lời kêu gọi về tính nguy cấp của biến đổi khí hậu bởi ảnh hưởng của nó đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. Nói cách khác, đây không chỉ là vấn đề khoa học mà còn liên quan tới đạo đức và tôn giáo.

Liệu có thể giải quyết những thách thức môi trường bằng công cụ tôn giáo? (Ảnh minh họa: Almasryalyoum.com)

 Rõ ràng, cuốn sách bà vừa viết và bộ phim The journey of universe không nói về tôn giáo và sinh thái học, ít nhất là không trực tiếp đề cập đến. Vậy điểm đặc biệt của hai tác phẩm này là gì?

Tucker: Nhiều người tiếp cận vấn đề môi trường thông qua cánh cửa tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều người lại không đi bằng cánh cửa đó mà bị cuốn vào một cảm nhận lớn hơn về cái đẹp, về sự đa dạng của thế giới tự nhiên, về tính toàn vẹn của các hệ sinh thái và về cuộc hành trình tiến hóa rộng lớn mà thế giới là một phần trong đó. Vì thế, The journey of universe giống như một lời mời tất cả chúng ta trở về thăm lại thời xa xưa của Trái đất và cùng suy ngẫm về tầm quan trọng của nó. Thêm nữa, bộ phim còn gợi trong ta nhiều mối băn khoăn: nếu chúng ta tự coi bản thân xuất hiện từ tiến trình phát triển tự nhiên của vũ trụ và Trái đất, và nếu sự sống đã hình thành qua hàng tỷ năm ấy, chúng ta sẽ có trách nhiệm gì trong việc duy trì sự sống này?

Tuy nhiên, ngôn ngữ trong phim là ngôn ngữ khoa học chứ không phải ngôn ngữ tôn giáo. Bộ phim chỉ nhắc nhở chúng ta suy nghĩ xem điều gì là nền tảng cho những quan ngại về môi trường, về đạo đức và hành vi? Chúng tôi không đặt tên cho nó từ một góc nhìn cụ thể nào, nói đúng ra đó là một gợi ý chứ không phải là một lời thuyết giáo.

 Nghĩa là nó nghiêng về khía cạnh tinh thần hơn là tôn giáo.

Tucker: Chính xác là vậy. Có một sự cảm nhận lớn lao về tinh thần mà nhiều nhà môi trường đang cùng chia sẻ, nhưng họ thường không nói tới hoặc chưa muốn gọi tên. Và đó chính là vấn đề được nói đến ở đây, ở một nghĩa rất rộng. Trong nhiều tôn giáo và nền văn hóa, con người có chung mối liên kết tinh thần với tự nhiên và điều này cũng gắn liền với các khía cạnh luân lý và đạo đức.

Có dấu hiệu nào cho thấy con người đang ngày càng hiểu hơn về những khía cạnh tôn giáo hay tâm linh liên quan tới môi trường không ạ?

Tucker: Tôi nghĩ rằng giống như những thay đổi xã hội khác, sự thay đổi nhận thức của con người về môi trường cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian. Đôi lúc, những thay đổi ấy diễn ra nhanh chóng khi con người nhận thức được vấn đề đạo đức ở đây. Đó cũng đồng thời là vấn đề về quyền con người. Hiện nay quan điểm đạo đức liên quan tới suy thoái môi trường đang bắt đầu hình thành, về một cái gì đó tồn tại lớn hơn chúng ta, mang lại và duy trì sự sống cho chúng ta. Nếu chúng ta hủy hoại nó, nghĩa là ta đang hủy hoại chính những thế hệ tương lai. Như vậy, ở đây còn có một vấn đề đạo đức liên thế hệ. Và một vấn đề đạo đức mới đang nổi lên là trách nhiệm đối với những người sinh sống ở những khu vực còn lại của thế giới, hiện đang phải gánh chịu hậu quả từ những hành động của chúng ta, như hậu quả từ biến đổi khí hậu chẳng hạn.

Câu hỏi đặt ra là sức mạnh tinh thần thúc đẩy những vấn đề đạo đức liên thế hệ hay giúp tăng cường trách nhiệm đối với những người sinh sống ở những khu vực khác trên thế giới sẽ đến từ đâu? Có thể trả lời rằng nó đến từ một tư duy sâu rộng hơn và đây đích thực là những gì tôn giáo có thể đóng góp. Mỗi tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay đều có những giáo lý dễ hiểu về môi trường, về việc cần thiết phải quan tâm tới Đấng Tạo hóa hay nguồn tài sản chung và cả những giáo lý mạnh mẽ về những vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu.

 Như vậy, trọng tâm là khía cạnh đạo đức trong các vấn đề môi trường?

Tucker: Hoàn toàn chính xác. Trong vòng 15 – 20 năm qua, tôn giáo và sinh thái không những đã phát triển thành một lĩnh vực học thuật, mà còn trở thành một sức mạnh trong một xã hội rộng lớn hơn. Giờ đây, rất nhiều trường đại học đã tổ chức những khóa học về tôn giáo và sinh thái, về đạo đức học môi trường hay các vấn đề tương tự. Bên cạnh đó, các cộng đồng tôn giáo – Do Thái, Thiên Chúa, Đạo Hồi – cũng đang chuyển đổi theo xu hướng ấy. Mỗi một tôn giáo đều đang phát triển một thuật ngữ riêng liên quan tới trách nhiệm đạo đức này – quản lý vì Trái đất (stewardship for the Earth) được nhắc đến nhiều hơn trong Do Thái và Thiên Chúa giáo, trách nhiệm quản lý vì Trái đất (trusteeship for the Earth) trong Đạo Hồi; và Quan tâm tới Tạo hóa (care for creation) là những gì các nhà truyền giáo ưa sử dụng.

 Các nhóm tôn giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo nghĩ sao về điều này, thưa bà?

Tucker: Một trong những nhà lãnh đạo quốc tế trong bước chuyển đổi trên là tín đồ đạo Phật Dalai Lama và còn có Rowan Williams, người đứng đầu Nhà thờ giáo phái Anh. Ngay cả Đức Giáo hoàng Benedict cũng có những bài phát biểu rất hay về vấn đề này. Song, trên hết, Giáo trưởng giáo hội toàn thế giới Bartholomew mới là nhà phát ngôn về môi trường vĩ đại nhất, luôn coi môi trường như một thực thể thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Suốt 15 năm qua, ông đã tổ chức các cuộc hội thảo về nước trên khắp châu Âu, tại Greenland, Amazon và Mississippi. Ông cũng từng triệu tập các hội nghị thượng đỉnh về môi trường với sự tham gia của nhiều đại diện cấp cao của Liên Hợp quốc (UN), Liên minh Châu Âu (EU), các bộ trưởng môi trường và các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2002, Giáo trưởng Bartholomew đã ra tuyên bố chung với Đức Giáo hoàng John Paul II quy định trách nhiệm chung của đạo Thiên Chúa trong việc bảo vệ môi trường và cho rằng những gì đang diễn ra hệt như một tội ác chống lại Tạo hóa. Như vậy là cũng có một vài dấu hiệu đáng để hy vọng.

 Vâng, như bà đã đề cập ở trên, khi nói tới vấn đề biến đổi khí hậu sẽ phải đề cập đến khía cạnh đạo đức, phải không ạ? Chúng ta đang bàn về các thế hệ tương lai có thể phải gánh chịu tác động, về những người sống ở các khu vực còn lại trên thế giới, bao gồm cả những người nghèo nhất, đối tượng đương nhiên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tucker: Đó là một khía cạnh khác của nhân quyền. Nhưng tiếng nói tinh thần đang ở đâu? Tiếng nói đạo đức đang ở đâu? Tôi nghĩ rằng các cộng đồng tôn giáo có thể và sẽ thúc đẩy được vấn đề này, đồng thời giúp thức tỉnh lương tri của những cộng đồng khác. Dẫu sao cũng có thể hy vọng vì chúng ta đã có khoa học về biến đổi khí hậu, có các tài liệu chính sách và có cả các loại hình công nghệ xanh – một phần giải pháp quan trọng để ứng phó với thảm họa khí hậu. Và một yếu tố cực kỳ cần thiết khác nữa đang nổi lên chính là sức mạnh tinh thần.

 

 

Sử gia tôn giáo Mary Evelyn Tucker hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Yale. Bà thường dành nhiều thời gian khám phá cách mỗi tôn giáo, tín ngưỡng định nghĩa về mối quan hệ của con người với tự nhiên. Cùng với chồng, ông John Grim, bà đã sáng lập Diễn đàn về Tôn giáo và Sinh thái học thu hút 10.000 người khắp thế giới, đứng ra tài trợ cho rất nhiều hội thảo về quan điểm của các tôn giáo trên toàn cầu, trong đó có cả Nho giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo…