Biến “lâm tặc” thành người giữ rừng

ThienNhien.Net – Từng là điểm nóng về phá rừng của tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng từ khi thực hiện chính sách giao đất rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, rừng Yên Thủy Thượng (xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc) đã được bảo vệ nhờ những người dân địa phương một thời là “lâm tặc” khét tiếng.

Người dân Yên Thủy Thượng chăm sóc rừng (Ảnh: CA Đà Nẵng)

Trước năm 2000, Yên Thủy Thượng là điểm nóng của tỉnh về phá rừng. Do địa bàn nằm xa quốc lộ 1A, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên cứ hết mùa đồng áng là hàng trăm hộ gia đình lại vác rựa, cưa, dây thừng lên rừng đốn cây, rồi dùng trâu bò kéo về bán. “Hết nạc vạc đến xương”, không còn gỗ to, người dân Thủy Yên Thượng đốn cả gỗ nhỏ, thậm chí đặt cả bẫy săn thú để mưu sinh. Rừng vì thế mà ngày càng bị tàn phá.

Năm 2000, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh ý tưởng biến người dân địa phương vốn là những “lâm tặc” khét tiếng thành người giữ rừng hiệu quả. Hơn 400 ha rừng tự nhiên ngay sau đó đã được giao cho cộng đồng dân cư quản lý. Và thật bất ngờ, quyết định táo bạo này đã mang lại hiệu quả ngoài mong muốn.

Ngay khi nhận được quyết định giao khoán rừng của UBND tỉnh trong thời hạn 50 năm, 90% người dân ở Thủy Yên Thượng đã ngồi lại bàn thảo, cùng đưa ra hương ước bảo vệ rừng với những quy định rất nghiêm ngặt. Rừng được quản lý chặt bằng chính “tai mắt” của dân. Từ những người “ăn của rừng”, người dân Thủy Yên Thượng đã trở thành những “gia chủ” thực sự, họ chuyên tâm với việc chăm sóc, bảo vệ từng gốc cây, con thú.

Đổi lại, bà con cũng được hưởng lợi từ những nguồn lâm sản phụ, vì thế đời sống được cải thiện nhiều hơn. Hơn 11 năm qua, rừng được giao khoán tại các tiểu khu 1156 và 1174 chưa từng xảy ra một vụ phá rừng nào, sinh khối rừng tăng trưởng tốt. Năm 2004, địa phương lần đầu tiên được UBND tỉnh cho phép khai thác 50% sản lượng gỗ từ quy chế hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ rừng, tương ứng gần 100 mét khối gỗ tròn.

Rõ ràng, mô hình đã thực sự tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân, từ chỗ đa số chuyên sống bằng nghề phá rừng nay họ đã có ý thức bảo vệ và gìn giữ rừng như chính khu vườn của gia đình mình.

Tiếp nối thành công từ mô hình ở Thuỷ Yên Thượng, vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định chuyển giao toàn bộ gần 241.000 ha rừng và đất lâm nghiệp do UBND các địa phương đang quản lý cho các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thời hạn giao rừng trong 50 năm, trong đó chủ rừng hoàn toàn được hưởng lợi theo lượng tăng trưởng của rừng.