Đằng sau những phát hiện loài mới

ThienNhien.Net – Tin phát hiện một loài mới bao giờ cũng được giới bảo tồn hân hoan đón nhận, song đằng sau niềm vui ấy là nhiều trăn trở, lo lắng mà những nhà nghiên cứu như Bryan Stuart cảm nhận rất rõ. Bản thân Bryan Stuart đã trải nghiệm mặt trái của những công bố loài mới qua câu chuyện xảy ra với loài kỳ giông Paramesotriton laoensis được phát hiện tại Lào. Dù câu chuyện kết thúc có hậu, song những gì xảy ra sau khi bản mô tả loài kỳ giông Paramesotriton laoensis ở Lào được công bố đủ hé lộ một mảng tối đằng sau các khám phá loài mới. 

Loài kỳ giông Paramesotriton laoensis được phát hiện tại Lào (Ảnh: Somphouthone Phimmachak/Mongabay.com)

Phát hiện hy hữu

Phóng viên: Liệu có thể nói câu chuyện về phát hiện loàikỳ giông Paramesotriton laoensis là một trải nghiệm của ông đáng được chia sẻ?

Bryan Stuart Vâng, đó là một câu chuyện hết sức thú vị. Có lẽ, trong số các loài tôi từng phát hiện và mô tả, thì riêng loài kỳ giông Lào thực sự lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Thực tế, đã xảy ra một sự việc cực kỳ bất ngờ liên quan đến bản mô tả loài này.

Vào cuối những năm 1990, khi tôi bắt đầu làm việc trên đất Lào, vẫn chưa có loài kỳ giông nào được biết đến tại đây. Kỳ giông hầu như chỉ cư trú ở các khu vực phía bắc Đông Nam Á, bao gồm Bắc Myanmar, Bắc Thái Lan, Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Mặc dù đã kỳ vọng rằng chúng sẽ xuất hiện ở Bắc Lào nhưng trước đó chẳng có loài nào từng được lưu trong dữ liệu cả.

Cho đến năm 1999, một trong những đồng nghiệp Lào của tôi đã tìm thấy những mẫu đầu tiên của một loài kỳ giông ở phía Bắc nước này. Phát hiện khá bất ngờ và lạ thường xảy ra trong một lần anh bạn ấy tới dự đám cưới ở một vùng nông thôn. Khi lên đường về thủ đô Viêng Chăn, anh ấy đã mang theo vài mẫu của một loài kỳ giông đang nằm gọn trong chai rượu thuốc của người địa phương, vốn hay được dùng trong các dịp tiệc tùng. Đây quả là một tình thế hy hữu.

PV: Loài kỳ giông này có gì đặc biệt?

 Bryan Stuart: Xét về hình thái học, chúng chẳng hề giống loài kỳ giông nào chúng tôi đã biết. Chúng có kích thước tương đối lớn, có lớp da xù xì giống mụn cóc, màu sắc ở lưng và bụng khá sáng, trên lưng có những dải vàng nhạt, còn bụng lại có những đốm màu cam.

Nhà nghiên cứu Bryan Stuart (Ảnh: Chris D. Hallam)

Nếu bị ngâm rượu quá lâu chắc chắn màu da của chúng sẽ phai nhạt và dần dần mất màu. Song, may mắn là những mẫu kỳ giông này vừa mới được bắt, tôi cho là vậy, nên vẫn giữ được màu sắc. Vì thế có thể nhận ra ngay là chúng khác biệt. Cấu tạo da cũng như kích thước và màu sắc của chúng đều biểu hiện những nét độc đáo.

PV: Sau khi nhìn thấy mẫu vật đầu tiên, ông đã vào rừng tìm kiếm?

Bryan Stuart: Thật không may, nơi những mẫu vật xuất hiện lúc bấy giờ lại là một khu vực hết sức nhạy cảm ở Lào, có dính líu tới một số vấn đề về an ninh. Cũng phải mất một thời gian sau khi tình hình ổn hơn chúng tôi mới có một cơ hội rất ngắn thôi được đi vào khu vực này để rồi tìm thấy loài kỳ giống ấy trong tự nhiên, ngay bên một con suối.

Cuối cùng, năm 2002, chúng tôi đã có thể công bố bản mô tả chính thức loài mới trên tạp chí khoa học Herpetology. Chúng tôi đặt tên khoa học cho loài này là Paramesotriton laoensis, nghĩa là “được tìm thấy tại Lào”.

Diễn biến không mong đợi

PV: Điều gì đã xảy ra sau khi mô tả khoa học về loài Paramesotriton laoensis được công bố?

Bryan Stuart: Sau khi công bố bản mô tả, chúng tôi bắt tay vào các dự án khác. Và rồi những gì không mong đợi đã đến. Vì loài kỳ giông này cực kỳ ít được biết tới và lại có màu sắc sặc sỡ nên rất gây chú ý, dẫn đến hình thành nhu cầu của những người chuyên thu thập các loài lưỡng cư và bò sát phục vụ cho hoạt động buôn bán thú cảnh. Cái tôi chẳng bao giờ mong đợi là những người sưu tập loài này vì mục đích thương mại đã sử dụng bản mô tả khoa học như một loại bản đồ chỉ dẫn để đi tìm và khai thác loài kỳ giông mới hòng thu lợi nhuận. Một số trùm sưu tập động vật hoang dã từ Đức và Nhật Bản đã cùng đổ về ngôi làng nhỏ nơi có loài kỳ giông mới để trả tiền cho dân địa phương nhờ họ tìm kiếm mà không hề được sự cho phép của chính quyền. Cuối cùng, một số lượng rất lớn loài mới này đã bị mang trái phép ra khỏi lãnh thổ Lào và được đem bán với giá rất cao tại Nhật Bản và châu Âu.

PV: Chúng được bán với giá bao nhiêu và đã có khoảng bao nhiêu con bị bắt đi?

Bryan Stuart: Giá cả thì vô cùng. Người dân địa phương thì chỉ được trả khoảng từ 10 – 20 cent Mỹ cho một cá thể kỳ giông bắt được, nhưng khi đã sang tới thị trường châu Âu hoặc Nhật Bản thì giá một con kỳ giông lên tới 200 Euro. Vấn đề nằm ở chỗ loài kỳ giông mới được biết chỉ xuất hiện ở hai dòng suối nhỏ phía bắc Lào và những tên trùm buôn thú cảnh đã đổ dồn về đây, đẩy loài mới này vào nguy cơ suy giảm quần thể và thậm chí là tuyệt chủng.

Cố gắng trước khi quá muộn

PV: Bản thân ông đã làm gì khi phát hiện ra điều đó?

Bryan Stuart: Gần như cùng lúc, tôi đã tiến hành hai việc. Trước hết, tôi cùng với hai nhà nghiên cứu bò sát khác cũng từng chứng kiến những sự việc tương tự gửi thư tới tạp chí Science. Bên cạnh câu chuyện về loài kỳ giông mới ở Lào, chúng tôi còn có thêm dẫn chứng về một loài tắc kè ở Nam Trung Quốc và một loài rùa mới ghi nhận tại một hòn đảo nhỏ ở Indonesia. Cả hai loài mới đều được đề giá rất cao trên thị trường thú cảnh do tình trạng khan hiếm và vẻ đẹp của chúng. Bài viết của chúng tôi trên tạp chí Science nhằm đặt ra cho cộng đồng những câu hỏi: Chúng ta cần phải làm gì với tư cách là các nhà phân loại, là người phát hiện và mô tả loài? Ta sẽ tiếp tục làm công việc ấy như thế nào để loài mới được công nhận và bảo tồn mà không vô tình đẩy các quần thể loài mới vào tình trạng bị khai thác vì mục đích thương mại, sau cùng có thể bị suy giảm hay thậm chí là tuyệt chủng?

Thứ hai là vào khoảng thời gian đó tôi nhận thức được rằng chúng ta cần có nhiều thông tin hơn về tình trạng của loài kỳ giông mới. Lúc này, tôi bắt đầu làm việc với những đồng nghiệp của mình tại trường Đại học Quốc gia Lào trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS). Trăn trở với câu hỏi tại sao không có một người Lào là chuyên gia thế giới về loài mới trong khi loài này chỉ được biết đến tại Lào, tôi đã tuyển chọn một sinh viên quan tâm đến dự án.

Cô ấy là Somphouthone Phimmachak, một trong những sinh viên đầu tiên tham gia vào chương trình Thạc sĩ Khoa học mới tại Đại học Quốc gia Lào. Vì tốt nghiệp ngành thủy sản nên khi bắt đầu cộng tác với tôi, cô ấy thực sự chưa biết nhiều về các loài lưỡng cư, nhưng đổi lại, Somphouthone Phimmachak lại rất có năng lực, thông minh và tích lũy rất nhanh lượng thông tin lớn về các loài lưỡng cư, đặc biệt là về kỳ giông của Lào. Với đề tài nghiên cứu loài kỳ giông mới, cô ấy đã trở thành Thạc sĩ Khoa học đầu tiên và là một trong những nhà nghiên cứu bò sát tiên phong của Lào.

PV: Nghiên cứu về loài kỳ giông mới của Somphouthone Phimmachak đã có tác động như thế nào?

Bryan Stuart: Cô ấy đã chứng minh được quy mô phân bố địa lý của loài kỳ giông này, khẳng định rằng chúng chỉ xuất hiện ở nơi rất cao, đầu nguồn những con suối, trong một khu vực địa lý cực nhỏ phía bắc Lào, vùng cao nguyên Xiêng Khoảng. Loài này không những chỉ có ở Lào mà còn cư trú trong một khu vực rất nhỏ tại Lào.

Somphouthone Phimmachak, người đã có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn loài kỳ giông mới (Ảnh: Bryan L. Stuart)

Somphouthone Phimmachak còn tìm hiểu được rằng trước đây, suốt một khoảng thời gian rất rất dài, dân địa phương chỉ thu thập những cá thể kỳ giông Paramesotriton laoensis với số lượng cực nhỏ, một số để làm thức ăn, số khác để làm thuốc, chẳng hạn như chai rượu thuốc đám cưới mà tôi nhận được, song vẫn chưa hình thành nên hoạt động buôn bán thương mại nào thực sự đáng kể. Đến tận cách đây vài năm, những tên trùm buôn bán thú cảnh mới đặt chân lên đất Lào và thiết lập những mạng lưới buôn bán để thu thập, khai thác trái phép và bán chúng ở Nhật Bản và phương Tây. Điều không may là loài kỳ giông mới có thể dễ dàng bị nhìn thấy ở những dòng suối nhỏ cả ban ngày lẫn ban đêm và do chúng khá dạn dĩ.

PV: Chúng đã bị thu bắt ra sao?

Bryan Stuart: Loài kỳ giông Paramesotriton laoensis bị thu thập nhanh chóng với số lượng rất lớn và nhanh chóng. Dân làng cho chúng tôi biết rằng họ bán loài kỳ giông đặc hữu quý hiếm của địa phương cho những nhà buôn không phải bằng số lượng cá thể loài mà bằng số lượng lớn tính theo kilogram. Những gì đang xảy ra thực sự rất đáng buồn.

Một kết cục tạm hài lòng

PV: Đó đã phi là kết thúc của câu chuyện chưa, thưa ông? Hiện loài mới vẫn đang tiếp tục bị đem ra buôn bán?

 Bryan Stuart: Cũng may là câu chuyện kết thúc khá có hậu. Nhờ nghiên cứu của Somphouthone Phimmachak, loài kỳ giông mới được đưa vào danh sách loài được bảo tồn trên toàn quốc ở Lào năm 2008. Điều này khiến mọi hoạt động buôn bán loài mới vì mục đích thương mại đều trở thành trái phép. Do đó, ít nhất loài này giờ đây cũng được pháp luật bảo vệ.

PV: Theo ông có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức những loài mới? Liệu có nên bảo mật thông tin mô t khoa học của các loài mới phát hiện chừng nào có chương trình bo tồn được triển khai? 

Bryan Stuart: Một trong những giải pháp được nêu ra nhằm giải quyết vấn đề là đối với bản mô tả về những loài có thể có giá trị thương mại, có lẽ nên gắn mô tả với những quy định pháp luật để bảo vệ loài mới khỏi nạn khai thác quá mức. Ngay như bản thân tôi, mặc dù được khuyến khích công khai với công chúng mọi thông tin liên quan đến các bộ sưu tập mà chúng tôi chịu trách nhiệm, nhưng chúng tôi vẫn cố giữ lại một số chi tiết mà người khác có thể lợi dụng vì lợi ích cá nhân. Song, điều mà các nhà phụ trách bảo tàng vẫn làm, như hạn chế cung cấp thông tin chi tiết về vùng cư trú đối với những loài dễ bị tổn thương và loài có giá trị về mặt thương mại, không phải là việc dễ dàng gì bởi nếu chúng ta có ý định bảo tồn loài mới thì ta phải nắm được chúng là loài gì và có mặt ở đâu. Giữ bí mật về mô tả và vùng cư trú của chúng xét cho cùng cũng chẳng ích gì cả về mục đích nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn. Đó là một vấn đề lớn mà theo tôi cần phải được cộng đồng thảo luận nhiều hơn.

Bryan Stuart làm việc tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bắc Carolina (Hoa Kỳ), phụ trách nghiên cứu các loài lưỡng cư và bò sát. Ông đã nhận bằng Cử nhân Khoa học Sinh học tại Đại học Cornell, bằng Thạc sĩ Khoa học Động vật học Đại học Bang Bắc Carolina và bằng Tiến sĩ Sinh học của trường Đại học Illinois. Nghiên cứu của ông tập trung vào các loài lưỡng cư và bò sát vùng nhiệt đới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nơi ông đã gầy dựng và duy trì được một chương trình thực địa thiết thực trong thập kỷ qua. Tính đến nay, Bryan Stuart đã phát hiện được cả thảy 27 loài mới, bao gồm 22 loài ếch, 3 loài rắn và 2 loài kỳ giông.